Ai cũng từng sử dụng qua một vài ứng dụng di động nhưng không phải ai cũng từng viết chúng. Có những phần mềm không tốn của bạn xu nào khi tải và cài đặt nhưng chúng không hoàn toàn miễn phí. Tác giả phải bỏ ra nhiều nỗ lực để lập trình và tạo ra kết quả cuối cùng. Họ phải tự học hay tham gia khóa học nào đó mới có đủ kỹ năng, kiến thức và trình độ để viết ứng dụng. Kể cả khi các chi phí này đã được tối giản (giả định có đủ máy móc, phần mềm và hiểu biết cần thiết), họ vẫn phải đổ thời gian cho nó. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đây. Viết ứng dụng không phải việc “hái ra tiền” dễ dàng.
Tốn kém
Một số ứng dụng đòi hỏi nhiều công sức hơn cái khác. Sau khi viết xong, các lỗi được phát hiện, vá lỗi, thử nghiệm, tung ra bản cập nhật. Sau khi phần mềm đã miễn nhiễm với các lỗi (chưa bao giờ xảy ra), các thiết bị mới và hệ điều hành lại được nâng cấp thường xuyên hơn, mang đến các tình huống mà tác giả không lường trước được.
Từ đầu đến cuối, ứng dụng phải được lên ý tưởng, lập trình, sắp xếp, sáng tạo ảnh minh họa, viết mô tả, xuất bản lên kho ứng dụng. Một chương trình cơ bản cũng mất đến vài trăm giờ lao động mệt nhọc. Tiếp đó là tiếp thị: bạn phải quảng bá bằng cách thuê cả đội quân để làm thay mình hoặc tự mua quảng cáo trên mạng, quảng cáo truyền thống.
Thực tế, một ứng dụng ra đời được là vô cùng tốn kém.
Làm thế nào để kiếm tiền?
Khi nhìn vào các kho ứng dụng, bạn tin rằng tác giả kiếm được rất nhiều tiền nhưng không dễ như vậy. Chẳng hạn, nếu muốn kiếm 1 USD từ mỗi lượt tải từ kho ứng dụng Android Google Play, bạn phải định giá khoảng 1,43 USD, Google sẽ bỏ túi phần còn lại. Các kho ứng dụng khác của Amazon, Apple, Microsoft… cũng tương tự. Dưới mô hình này, bạn sẽ sống sót nhờ vào các lượt mua mới. Tuy nhiên, ngay khi tốc độ bán ra trở nên chậm lại và không đủ để chi trả cho phí duy trì, ứng dụng của bạn đã bị loại khỏi cuộc chơi.
Cách tiếp theo để kiếm tiền từ ứng dụng là chạy quảng cáo. Thay vì trả tiền một lần, bạn để quảng cáo hiển thị trong ứng dụng và nhận tiền từ số lượt xem. Các đối tác quảng cáo thường thích can thiệp nhiều vào ứng dụng ngay cả khi không cần thiết, khiến người dùng khó chịu. Tuy nhiên, nhà phát triển cũng là người, họ cũng cần đến tiền để sống chứ không thể hít thở suông.
Một cách khác là mua sắm trong ứng dụng (in-app purchase). Một số chương trình cho phép bạn mua vật phẩm ngay trong ứng dụng, ví dụ hàng hóa ảo trong Sim City, game nông trại hay đồ trang trí… Lập trình viên đưa vào nhiều màn chơi, thách thức mới, khuyến khích người dùng mua nhiều thứ hơn hoặc để “mở khóa” thành tích nào đó. Bằng cách này, họ có thể có tiền, hỗ trợ khách hàng hiện tại, thu hút khách hàng mới.
Một loại ứng dụng khác sống nhờ vào nội dung mà nó cung cấp. Phổ biến là các chương trình nghe nhạc, đọc báo hay xem phim trực tuyến, nơi người dùng được tải và cài đặt miễn phí nhưng phải trả tiền hằng tháng để truy cập nội dung. Đây được xem là loại có doanh thu ổn định và bền nhất. Có thể kể đến vài cái tên như Office 365, Netflix. Để thuyết phục khách hàng, họ sẽ cho dùng thử trong một thời gian nhất định và khi hết hạn không thể sử dụng được nữa.
Các khó khăn được nêu ra phía trên không phải muốn khuyên bạn đừng viết ứng dụng. Chúng chỉ nhằm giúp bạn hình dung được ứng dụng được tạo ra như thế nào, chi phí liên quan cũng như cái nhìn sâu hơn vào công việc của các lập trình viên. Kiếm tiền từ viết ứng dụng không dễ như bạn nghĩ, ủng hộ tác giả có thể giúp bạn và cộng đồng người dùng bảo đảm ứng dụng ưa thích của mình luôn được cập nhật và hỗ trợ trong tương lai.
Bình luận (0)