Chiều 21-2, phiên xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ bước sang phần tranh luận.
Hai phía đương sự tiếp tục bảo vệ quan điểm về phân chia tài sản như thời gian xét xử trước đó.
Nêu quan điểm về quyền nuôi con và cấp dưỡng, luật sư phía bị đơn nhắc lại xuyên suốt quá trình giải quyết vụ việc đến nay, ông Vũ luôn có nguyện vọng nuôi dạy 4 con và không yêu cầu cấp dưỡng. Tuy nhiên, ông không muốn con mình chịu tổn thương. Chính vì vậy, ông tôn trọng quyền tự quyết của các con. Trong trường hợp tòa án giao 4 người con cho bà Thảo nuôi dưỡng, luật sư đề nghị tòa án ghi nhận quyền lợi của ông Vũ và gia đình trong việc thăm nom, chăm sóc 4 người con. Theo đó, bị đơn có quyền chăm sóc, giáo dục, thăm nom mà không ai được cản trở; có quyền thay đổi quyền trực tiếp nuôi con; tạo điều kiện gia đình bên nội đón các con về nhà dịp cuối tuần.
Ngoài ra, ông Vũ đề nghị tòa án quyết định bà Thảo sở hữu khối bất động sản có tổng giá trị khoảng hơn 375 tỉ đồng; còn ông Vũ nhận phấn bất động sản tương đương khoảng 350 tỉ đồng.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tỏ ra gay gắt vì cho rằng ông Đăng Lê Nguyên Vũ sỉ nhục, xúc phạm bà tại tòa
Đối với những phần tài sản khác là đồng sở hữu, luật sư cho rằng ông Vũ xứng đáng hưởng 70% tổng giá trị tài sản. Luật sư đưa ra nhiều lập luận chứng minh ông Vũ là người đầu tiên và duy nhất sáng lập Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Đơn cử có giấy phép đăng ký kinh doanh cấp cho thương hiệu Trung Nguyên từ ngay ngày đầu thành lập. Trong hồ sơ cấp phép, ông Vũ và 4 người bạn đứng tên xin cấp phép, hoàn toàn không có tên bà Thảo. Mãi đến năm 2006, bà Thảo mới tham dự vào hoạt động tập đoàn với tư cách cổ đông. Cùng đó, luật sư điểm lại một số cột mốc trong quá trình phát triển thương hiệu Trung Nguyên…
Trước đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Thảo yêu cầu tòa án đồng ý phương án 51% cổ phần trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) thuộc về bà Thảo. Theo luật sư, số cổ phần đó sẽ giúp bà Thảo làm việc thuận lợi; chấm dứt tình trạng ông Vũ lợi dụng quyền lực bãi nhiệm, loại trừ bà Thảo ra khỏi tập đoàn. "Nếu chia như vậy, ông Vũ vẫn chiếm ưu thế ở các công ty con khác nhưng ít nhất ông Vũ không thể làm khó bà Thảo ở Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Bà Thảo không phải người làm thuê hưởng lương mà là một trong hai đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên. Đây là tập đoàn gia đình, không có người ngoài góp vốn. Phân công chức vụ, cổ phần công ty là do thoả thuận giữa hai vợ chồng" – luật sư giải thích.
Nói về thông tin ông Vũ có nhiều phát kiến xây dựng, phát triển tập đoàn, luật sư cho rằng đó là những mơ ước, viễn tưởng. Bà Thảo với tư cách đồng sỡ hữu cũng có quyền đề ra chiến lược phát triển tập đoàn.
Bình luận (0)