Ba ngày sau phiên tòa xử ông Nguyễn Viết Lộc (SN 1959), người dân thôn Bình Tiến A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hết những lời nhận xét và dành những lời thương cảm cho người đàn ông cả đời chí thú làm ăn.
Ma men dẫn lối
Với rất nhiều người dân xã Thái Yên, khi nhắc lại câu chuyện đau lòng trên, họ vẫn không thể ngờ được sự việc lại có thể xảy ra. Trong mắt họ, nạn nhân và cả thủ phạm đều không đáng phải nhận kết cục như hôm nay.
Theo cáo trạng, vào khoảng 11 giờ ngày 28-2, sau khi đi uống rượu về, ông Nguyễn Viết Lộc vào nằm nghỉ trưa thì nghe tiếng hát karaoke gây ồn ào phát ra từ nhà hàng xóm của ông Nguyễn Công Thành (SN 1973) nên rất bức xúc. Khoảng 30 phút sau, vẫn không thể nào ngủ được nên ông Lộc đến trước nhà ông Thành ném gạch vào sân rồi nói vọng vào: "Bây mở loa to rứa, bể làng, bể xóm!". Lúc này, trong nhà ông Thành có ông cùng vợ con, ông Nguyễn Minh Phước (SN 1968) và anh Nguyễn Công Việt (SN 1973) - đều là hàng xóm - đang hát karaoke.
Bị cáo Nguyễn Viết Lộc tại phiên tòa
Thấy vậy, ông Thành và ông Phước đi ra để nói chuyện phải trái với ông Lộc. Người tức gặp kẻ giận, giữa ông Lộc với ông Phước đã xảy ra cãi vã rồi dẫn tới xô xát, đánh nhau. Trong lúc giằng co, ông Phước cắn vào má ông Lộc. Được mọi người can ngăn nên sự việc tạm lắng xuống.
Bực mình vì hàng xóm gây ồn ào làm mình không ngủ được lại còn bị cắn, ông Lộc lặng lẽ về nhà lấy 2 con dao và 1 cái liềm rồi quay lại ngõ nhà ông Thành để "tính sổ". Khi thấy ông Phước lao về phía mình, ông Lộc đâm gục người hàng xóm. Cả xóm bàng hoàng vì một người chết. Giờ đây, họ còn đau lòng vì một người bỗng tù tội vì không kiềm chế được với chuyện bình thường ở vùng quê.
Nỗi đau người ở lại
Trong căn nhà lạnh lẽo, phảng phất mùi nhang, bà Nguyễn Thị Lộc (vợ nạn nhân Nguyễn Minh Phước) nói trong nước mắt lưng tròng: "Nỗi đau lớn quá... Thật sự tôi không bao giờ nghĩ lại có chuyện đó xảy ra. Từ trước tới giờ, giữa gia đình tôi với gia đình ông Lộc vẫn vui vẻ và không hề có xích mích gì hết, bỗng chốc tai họa lại ập xuống quá nhanh".
Bà Lộc nhớ lại bà đã nói chồng đừng sang nhà hàng xóm hát hò nhưng ông vẫn đi. "Cứ ngỡ đi đâu, nào ngờ anh ấy đi luôn…" - giọng bà như nghẹn lại, nước mắt vẫn không thôi tuôn dù chuyện đã xảy ra 6 tháng.
"Từ lúc sự việc xảy ra tới nay, phía gia đình ông Lộc cũng có sang thắp nhang và xin lỗi. Sự việc đau lòng ngoài mong muốn cũng đã qua rồi. Anh Phước đã mất, người gây ra hậu quả là ông Lộc thì cũng phải đi tù. Tôi cũng nói với các con rằng đừng hận thù gì, bởi tôi biết ông Lộc rượu vào chỉ hay chửi bậy thôi chứ ông ấy chưa bao giờ làm gì ai hết. Tôi chỉ buồn và đau đớn ở chỗ tại sao lúc sự việc xảy ra, có rất nhiều người ở đó nhưng lại không ai vào can ngăn? Tại sao ông Thành là chủ nhà, lại là chỗ thân quen xóm làng mà lại không đóng cửa, để cho ông Lộc xông vào đâm anh Phước?" - người phụ nữ nói trong uất nghẹn.
Người chết, kẻ vào tù nhưng chuyện nào đâu đã hết với cái làng nhỏ này. Trầm ngâm trong căn nhà thiếu vắng bố, anh Nguyễn Viết Bình (con ông Lộc) bày tỏ: "Sự việc chẳng ai mong muốn cũng đã xảy ra rồi, bố tôi cũng đã chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tôi cũng không biết liệu ông còn có thể sống để chịu hết mức án nữa hay không... Chỉ buồn một điều, từ khi sự việc diễn ra tới giờ, giữa gia đình tôi với gia đình ông Phước không hề có thù hận gì, các con của nhà ông Phước cũng ra chỗ tôi cắt tóc và chào hỏi bình thường. Vậy mà nhiều người lại đi đặt điều nhằm chia rẽ tình cảm xóm giềng. Mỗi nhà mỗi niềm đau, sao lại còn phải xát thêm muối vào làm chi nữa".
Nhắc lại câu chuyện đau lòng trên, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1960, Trưởng thôn Bình Tiến A) vẫn chưa hết ám ảnh. "Tình cảm xóm làng từ trước tới giờ rất hòa thuận, nhà nào cũng lo tu chí làm ăn. Vậy mà bỗng chốc cả ngôi làng đang bình yên lại chấn động bởi vụ án giết người xảy ra. Chỉ tội ông Phước, sống hiền lành, vui vẻ với mọi người mà tai họa lại đến quá nhanh" - bà Nga xót xa.
Bà Nga cho biết việc hát karaoke thì từ trước tới nay ở làng lúc nào cũng có. Đây chỉ là một hình thức giải trí của nhiều người sau những buổi lao động vất vả, cũng chẳng thấy ai than phiền gì. Chuyện án mạng trong làng do hát karaoke quá to, gây ồn ào thì bà cũng như mọi người không bao giờ nghĩ tới.
Hôm xét xử vụ án, bà Nga cũng như rất nhiều người dân ở xã đã đến dự khán. Khi phiên tòa vừa kết thúc, mọi người ai cũng xót xa cho cả gia đình nạn nhân lẫn gia đình bị hại. Những khúc mắc và hoài nghi về chuyện "nạn nhân", "bị cáo" đến giờ vẫn là tâm điểm của những người trong làng. Sự bình yên đã bị khuấy động bởi tiếng karaoke vang vọng và bởi những chuyện nhỏ nhưng không ai để ý lâu nay.
Chắc hẳn sẽ cần nhiều thời gian để xóa mờ những vết thương trong lòng, những nỗi đau và sự day dứt của người ở lại nhưng dẫu sao thì họ cũng đã biết cách vượt qua ranh giới thù hận để tha thứ cho nhau. Xóm làng cũng chẳng có quy ước gì nhưng tiếng karaoke bỗng ít hơn lúc trước. Xóm làng giờ cũng cũng buồn nhưng sẽ buồn hơn nếu những người vô thức bỗng dưng hát karaoke…
Ngày 28-8, HĐXX TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Viết Lộc 14 năm tù về tội “Giết người”, đồng thời buộc phải bồi thường cho gia đình bị hại 180 triệu đồng.
Bình luận (0)