Năm 1980, bà N.K.Y (hiện mang quốc tịch Pháp) đi định cư nước ngoài nên giao nhà và giấy tờ nhà cho bà Đ.T.M - người giúp việc trông coi, cất giữ. Sau 30 năm xa xứ, bà Y. trở về và tá hỏa khi thấy nhiều người xa lạ đang quản lý, sử dụng căn nhà còn người giúp việc thì bặt tăm.
Mất nhà vì nhờ quản lý giùm
Để đòi lại nhà, bà Y. phải bắt đầu hành trình khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc gia đình đang sinh sống trong căn nhà giao trả tài sản.
Tòa án đưa vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà" ra xét xử. Đại diện bị đơn trình bày gia đình họ mua nhà từ bà Đ.T.M, giao dịch bằng giấy viết tay. Từ khi vào ở, phía bị đơn đóng thuế và kê khai đầy đủ, tuân thủ quy định nhà nước. "Thời điểm đó, bà M. trưng ra giấy chứng nhận gia đình bà Y. cho đứt bà M. tài sản trên nên chúng tôi mới mua nhà" - phía bị đơn nói, đồng thời trình HĐXX giấy viết tay (bản photocopy) có nội dung gia đình bà Y. tự nguyện cho người giúp việc là bà M. căn nhà.
Sau khi xem xét tài liệu phía bị đơn cung cấp, HĐXX nhận thấy nội dung trong giấy viết không hề thể hiện việc gia đình bà Y. đồng ý cho người giúp việc quyền sở hữu căn nhà. Một vị hội thẩm nhân dân chỉ rõ: "Giấy này do bà M. tự viết chứ đâu có bút tích hay chữ ký xác nhận từ gia đình bà Y.?".
Tại tòa, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xác định với HĐXX căn nhà trên đích thực là tài sản bà Y. thừa kế hợp pháp từ cha mẹ. Tài sản không thuộc trường hợp nhà nước quản lý như thông tin bị đơn cung cấp.
Nghe vậy, gần 10 thành viên phía bị đơn, người thì xì xầm phản đối, người đành thở dài.
Nỗi niềm hai phía
Trước tòa, bà N.K.Y cho biết căn nhà là mối liên hệ duy nhất giữa gia đình bà với quê hương nên dù rất thông cảm với bị đơn, bà vẫn phải lấy lại căn nhà. "Nằm lại nơi đất khách, cha mẹ tôi mong muốn tôi mang bát hương về, thờ ông bà trong chính căn nhà của gia đình ở quê hương. Nếu không vì di nguyện ấy, tôi không bao giờ tranh chấp với các ông bà (gia đình bị đơn - PV). Tôi hiểu mọi người không có lỗi trong sự việc này" - nguyên đơn giãi bày.
Ngay từ đầu quá trình khởi kiện cho đến khi ra trước tòa, bà Y. khẳng định chấp nhận hỗ trợ bị đơn chi phí sửa chữa căn nhà, dọn nhà với số tiền gần 1 tỉ đồng.
Chờ tòa nghị án, bà Y. kể bà M. giúp việc trong gia đình bà hơn 10 năm, được xem như một thành viên của gia đình nên bà Y. và cha mẹ bà mới yên tâm nhờ cậy bảo quản giấy tờ, trông coi nhà cửa. "Nào ngờ, bà ấy âm thầm bán nhà rồi đi đâu không rõ. Gia đình tôi rất nhiều lần thuê người ở Việt Nam đi tìm kiếm; bản thân tôi lần nào về nước cũng đến tận quê bà ấy ở Vĩnh Long dò hỏi nhưng đều không có tin tức" - bà Y. uất ức kể.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, cơ quan xét xử tuyên bố nguyên đơn thắng kiện, giao bà Y. quyền sở hữu tài sản. Phía bị đơn có nghĩa vụ dọn đi, hoàn trả nguyên vẹn căn nhà.
Nghe tuyên án, nguyên đơn mừng rỡ nhưng vẫn không quên bước qua động viên, nắm tay những người thua kiện. Một người lớn tuổi nhất trong gia đình bị đơn thất vọng: "Ngày đó, chúng tôi thấy bộ giấy tờ nhà thật thì chúng tôi mua. Không ai nghĩ sau mấy chục năm lại xảy ra tai ương thế này. Gia đình không nỡ dọn đi một phần bởi điều kiện kinh tế nhưng sâu xa hơn là chúng tôi ở đây đã gần 30 năm, 3 thế hệ gắn bó với nơi đây cùng nhiều kỷ niệm…".
Thông tin mới tại phiên tòa cho biết trước khi mở phiên tòa, HĐXX tiến hành xác minh và nắm được bà Đ.T.M đã xuất ngoại từ năm 1996.
Không chấp nhận giao dịch
Đối với những giấy thỏa thuận, cam kết liên quan đến việc chuyển nhượng căn nhà giữa bà Đ.T.M với gia đình bị đơn, HĐXX nhận thấy tất cả đều là giấy viết tay. Bị đơn giao dịch khi không có sự hiện diện hay đồng ý từ phía người sở hữu hợp pháp tài sản. "Nói cách khác, người viết giấy bán nhà và bị đơn tự ý thỏa thuận với nhau. Vì thế, pháp luật không công nhận việc mua bán, sang nhượng đó" - chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Bình luận (0)