Ngày 22-2, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đất tín ngưỡng phải gồm "từ đường, nhà thờ họ"
Phát biểu tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, cho hay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục xác định 2 loại đất liên quan vấn đề tâm linh, tôn giáo là đất tôn giáo và đất tín ngưỡng. Trong đó, UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Đối với diện tích đất mà tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hằng năm theo quy định của luật này.
Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, nên có sự tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và đất kết hợp du lịch để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, đất tín ngưỡng theo như quy định tại Luật Đất đai năm 2013 bao gồm cả "từ đường, nhà thờ họ". Tuy nhiên, tại dự thảo lần này, Ban Soạn thảo đã loại bỏ "từ đường, nhà thờ họ" và thay bởi "đất rừng tín ngưỡng".
"Chúng tôi cho rằng loại bỏ "từ đường, nhà thờ họ" không hợp lý và không tương thích với quy định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bởi lẽ, nhà thờ dòng họ được xem là cơ sở tín ngưỡng theo quy định tại khoản 4 điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016. Trong khi đó, nội dung "đất rừng tín ngưỡng" chưa được định nghĩa tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bản thân dự thảo Luật Đất đai cũng không có giải thích cụ thể thế nào là "đất rừng tín ngưỡng"?" - luật sư Hậu nói.
Đồng quan điểm, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng trong đất tín ngưỡng phải có "từ đường, nhà thờ họ". Theo bà, dòng họ là nơi tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh. Do đó, nên tính toán cơ sở tín ngưỡng có hình thức này.
Nhiều ý kiến về đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được đưa ra tại buổi góp ý
Bà Võ Thị Dung cho rằng dòng họ là nơi tập hợp và phát huy sức mạnh. Trong đất tín ngưỡng phải có “từ đường, nhà thờ họ”
Tránh gây khó cho tòa án
Nói về việc thu tiền sử dụng đất, ông Trần Tấn Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, bổ sung rằng khi nói đến đất tôn giáo thì ngoài việc giao đất không thu tiền sử dụng đất tại đây, tổ chức tôn giáo còn nhiều hoạt động khác như trường đào tạo tu sĩ, trường đào tạo chức sắc. Ngoài ra còn những hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện xã hội…
"Ngoài trụ sở và cơ sở thờ tự là 2 nơi không thu tiền sử dụng đất, những cơ sở còn lại mà luật pháp cho phép thì các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ được giao đất có thu tiền hoặc được cho thuê đất. Như thế, các tổ chức tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ dễ dàng, thuận lợi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật cho phép" - ông Trần Tấn Hùng nói.
Luật sư Trương Quang Nhứt, Phó trưởng Ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, đề cập khoản 1 điều 203: "Đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động". Theo ông, tại quy định này cần thêm cụm từ "và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận" bởi đây là điều rất quan trọng.
Ông Trương Quang Nhứt dẫn chứng qua thực tế tranh luận tại các phiên tòa, thẩm phán yêu cầu cung cấp quyết định công nhận là đất tôn giáo, mà đây là việc rất khó. Bởi do yếu tố lịch sử, nhiều ngôi chùa đã hoạt động từ trước năm 1975 và được tồn tại bằng hiến chương của Giáo hội Phật giáo.
Phó trưởng Ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM cho rằng nếu dùng từ "được nhà nước cho phép hoạt động" thì rất khó chứng minh là đất tôn giáo. Đến khi tranh tụng phải đi qua nhiều nơi, đầu tiên là Giáo hội Phật giáo có văn bản xác nhận, rồi gửi qua Ban Tôn giáo xin văn bản thừa nhận, qua Sở Tài nguyên và Môi trường..., rất nhiều bất cập. Vì thế, nếu bổ sung "và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận" thì rõ hơn, giúp tòa án các cấp dễ giải quyết những vấn đề tranh chấp liên quan tới đất tôn giáo.
Bồi thường cần minh bạch, thỏa đáng
Góp ý về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, nhận xét ngoài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc thu hồi đất còn phải bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Muốn vậy, nhà nước cần điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.
Từ đó, ông đề nghị những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, các công trình công cộng... thì thu hồi. Còn lại, các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, phương án bồi thường đất phải minh bạch, thỏa đáng, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân...
Bình luận (0)