Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3-1 đến 15-3. Kế hoạch lấy ý kiến nhằm triển khai Nghị quyết số 170/2022 của Chính phủ, qua đó huy động trí tuệ, tâm huyết, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Từ việc nghiên cứu các nội dung của dự thảo, tôi đóng góp một số ý kiến.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất
Khoản 2 điều 89 dự thảo luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất. Theo đó, khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, tại điều 106 dự thảo luật đã quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền) và thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư (tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi, đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương).
Về việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước, xong rồi mới tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư. Ví dụ như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế...
Ngoài ra, cần làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Đơn cử như nội dung "Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền". Theo tôi, với những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì phong tục, tập quán có sự khác biệt so với nhiều địa phương. Nếu rơi vào trường hợp tại địa bàn xã lẫn địa bàn huyện đều không có đất để bố trí tái định cư thì buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương. Vậy cần làm rõ "điều kiện tương đương" ở đây là gì, là về mặt địa lý tương đương hay là về các tiêu chí được địa phương đề ra, bởi nếu bố trí người dân tộc thiểu số sang một địa bàn với các phong tục, tập quán hoàn toàn khác với nơi ở cũ thì sẽ không đáp ứng được một trong các điều kiện của khu tái định cư mà luật quy định.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Trong chương V Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định đổi mới để nâng cao chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.
Tôi cho rằng cần bổ sung điều khoản khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai. Đối với quy hoạch định hướng, tầm nhìn sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện từ 10 năm trở lên phải có quy định cụ thể đối với người sử dụng đất trong vùng. Tránh tình trạng quy hoạch làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân bất hợp lý.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những phương thức để quản lý nhà nước (là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất) nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất của người dân nói chung và người sử dụng đất nói riêng. Do đó, dự thảo luật cần thể hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai…
Việc lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân và nguồn lực cho sự phát triển của đất nướcẢnh: HOÀNG TRIỀU
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Điều 225 dự thảo luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho TAND giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết.
Tuy trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng quy định pháp luật đất đai các thời kỳ đã luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Lý do, đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi. Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết thông qua UBND thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí.
Dù vậy, tôi đồng ý với quy định của dự thảo luật, tức giao toàn quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án. Bởi lẽ, về mặt nguyên lý, cần có sự phân công và kiểm soát giữa 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Mời tham gia góp ý
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn thành phố đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ hôm nay (21-2), Báo Người Lao Động mở diễn đàn tiếp nhận những hiến kế, đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân.
Việc lấy ý kiến đóng góp để khi luật ban hành có sự hoàn chỉnh, tính khả thi cao. Mọi ý kiến xin gửi về email: bandoc@nld.com.vn
Lo lắng quy hoạch vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm
Chiều 20-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề cập vấn đề quy hoạch đất đai, TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, cho rằng dù những năm qua nhà nước có nhiều biện pháp quản lý, siết chặt kỷ cương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực về đất đai… nhưng bức tranh sử dụng đất đai vẫn chưa "thực sự sáng sủa". Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng các khiếu kiện, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm.
Sáng cùng ngày, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng tổ chức tọa đàm góp ý các quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất, thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư…
Văn Duẩn
Bình luận (0)