xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất dự án kinh tế, thương mại thế nào?

Minh Chiến - Văn Duẩn

(NLĐO) - Nội dung về thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là với các dự án kinh tế, thương mại đơn thuần là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu để hoàn thiện chính sách

Ngày 14-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nội dung về thu hồi đất trong dự thảo luật là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu để hoàn thiện chính sách. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) dẫn Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật".

Thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất dự án kinh tế, thương mại thế nào? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung về thu hồi đất

Do đó, bà Hoa cho rằng trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”. Vị đại biểu nhấn mạnh để bảo đảm sự thống nhất, tránh tùy tiện, lạm dụng khi thu hồi đất, cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chí nào là “thật cần thiết” trong dự thảo luật, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bà Hoa đề nghị cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động, có khả năng mất chỗ ở cũ, mất mảnh đất vẫn đang trồng cấy để mưu sinh. 

"Người dân bị thu hồi đất đã thiệt thòi rồi, nếu không được thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường thì càng thiệt thòi hơn" - đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh và kiến nghị các chính sách về đền bù, tái định cư cần phải được quan tâm hơn nữa.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (tại Điều 86). Tuy nhiên, đây cũng là điểm các đại biểu Quốc hội băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), gần 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo là liên quan tới việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế - xã hội. Vị đại biểu cho biết trên thực tế, các bất cập trong việc áp giá thu hồi đất có thể khiến người có đất bị thiệt, dẫn đến khiếu kiện. "Thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và mọi người dân" - đại biểu nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Kon Tum kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. "Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định. Trong khi dự thảo luật đang sử dụng phương pháp liệt kê để nêu các trường hợp thu hồi đất, vậy có thể dự liệu trước được những tình huống phát sinh trên thực tế hay không. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân" - đại biểu Tô Văn Tám lo ngại.

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cơ quan soạn thảo có thể tiếp cận theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, tác động đến sự phát triển một vùng, khu vực hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì áp dụng thu hồi đất.

Thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất dự án kinh tế, thương mại thế nào? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám

"Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, dự án thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất" - đại biểu Tô Văn Tám đề xuất.

Cùng quan tâm đến quy định thu hồi đất ở Điều 86 dự thảo luật nêu trên, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, Điều 86 của dự thảo luật có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. "Nếu không có quy định cụ thể, tiêu chí rõ ràng sẽ làm phát sinh khiếu kiện, quan trọng hơn là quyền lợi của người bị thu hồi đất không được bảo đảm" - đại biểu Minh nhấn mạnh và đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.

Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XIII, đại biểu đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để bảo đảm việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.

Thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất dự án kinh tế, thương mại thế nào? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi

Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý việc thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 18 của Trung ương về việc thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Theo ông Bình, đây là vấn đề phát sinh khiếu nại, tố cáo rất nhiều thời gian qua. Vị đại biểu cho biết trên thực tế, ở cùng một khu vực, các điều kiện hoàn toàn giống nhau, nhưng khi Nhà nước thu hồi đất thì áp dụng đền bù theo giá Nhà nước, nhưng khi doanh nghiệp thỏa thuận thu hồi thực hiện các dự án thương mại, thì giá đền bù cao hơn. Do sự chênh lệch giá đền bù này, đại biểu cho biết xảy ra tình trạng so bì, khiếu nại rất phức tạp.

Từ thực tiễn, đại biểu đề nghị cần phải xem xét một cách thấu đáo, cần nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân giới hạn ở mức độ nào, thỏa thuận về những vấn đề gì, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò như thế nào.

Về định giá đất, đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh việc xác định định giá đất sát với giá thị trường là vấn đề rất khó, phải có đầy đủ tiêu chí, điều kiện, căn cứ và cơ sở để triển khai.

Đối với việc bố trí tái định cư khi thu hồi đất, đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng phải quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm quan điểm nơi ở mới "bằng hoặc hơn" nơi ở cũ. Theo ông, cần quy định rõ nơi tái định cư phải hoàn thiện thì mới giao đất, dứt khoát không để xảy ra tình trạng thu hồi đất 5-7 năm nhưng vẫn chưa có nơi tái định cư cho người dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo