Sáng 11-8, VKSND TP HCM đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính cho ông Trương Bá Nhàn (SN 1962) theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM - nơi ông Nhàn từng cư trú khi bị bắt oan. Sau 1.346 ngày bị tạm giam oan, 9 năm dài trầy trật khiếu nại để được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp, đến hôm nay, ông Nhàn đã chính thức được giải oan. Vậy mà niềm vui không trọn vẹn.
Gian nan tìm công lý
Nhớ lần đầu tiên gặp tôi tại Văn phòng Luật sư Người nghèo, ông cứ nhắc đi nhắc lại câu nói: “Điều tôi mong mỏi nhất là mọi việc được rõ ràng để tôi có thể sống đúng nghĩa một công dân”. Đối với ông lúc đó, thà tiếp tục bị tạm giam để điều tra đến khi có kết luận vô tội thì trả tự do còn dễ chịu hơn phải sống trong cảnh “treo” với số phận pháp lý chơi vơi, không rõ ràng như thế.
“Cả đời tôi không bao giờ quên được cảm giác khi bước chân ra khỏi trại tạm giam Chí Hòa. Đầu óc trống rỗng, người nhẹ tênh. Chỉ cách một bức tường mà cứ ngỡ như đang sống ở một nơi xa lắm. Từ người có gia đình, việc làm, tài sản, phút chốc mất tất cả, sống lang thang nay đây mai đó, không có việc làm ổn định bởi không ai dám thuê một người lý lịch không minh bạch… Nhiều lúc cùng quẫn quá, tôi muốn tự tử cho xong. Nhưng nếu tôi chết rồi, nỗi oan vẫn còn đó, gia đình vẫn bị mang tai tiếng…” - ông Nhàn rưng rưng.
Ông Trương Bá Nhàn đến cảm ơn Báo Người Lao Động. Ảnh: VĂN HIẾU
May mắn cho ông, suốt chặng đường đi tìm công lý gian nan đó, luật sư Trịnh Thanh, luật sư Trần Văn Hiếu và các luật sư Văn phòng Luật sư Người nghèo luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ miễn phí về mặt pháp lý. Thậm chí, những lúc ông lên TP để gửi đơn, họ lại dúi cho ít tiền đi xe, tặng quà hoặc giới thiệu chỗ làm việc. Trò chuyện với tôi, lần nào ông cũng cảm kích: “Tôi luôn biết ơn họ”.
Ngày bước chân ra khỏi trại tạm giam Chí Hòa, ông bước đi vô định rồi tình cờ thấy Văn phòng Luật sư Người nghèo trên đường Hòa Hưng (quận 10). Tiền bạc không có mà nỗi oan đè nặng, ông liều lĩnh bước vào xin được giúp đỡ.
“Từ đó đến nay đã 9 năm. Bản thân tôi có lúc muốn buông xuôi vì quá mệt mỏi nhưng các luật sư vẫn kiên trì. Nhiều lúc hy vọng mới lóe lên, ngay sau đó lại tắt lịm. Xác định cơ quan bồi thường rồi, chúng tôi vẫn phải lên xuống nhiều lần, chỉ nhận được lời hứa “sẽ xem xét”. Thậm chí, quyết định giải quyết bồi thường đã có mà cứ phải chờ đợi thêm vài tháng nữa” - ông Nhàn kể.
Khó vậy sao?
Buổi xin lỗi diễn ra lúc 9 giờ, kết thúc lúc 9 giờ 15 phút nhưng theo tính toán của các phóng viên tham dự, từ khi đại diện VKSND TP HCM đọc lời xin lỗi cho đến khi bắt tay ông Nhàn, luật sư, gia đình ông Nhàn và giao giấy chuyển khoản tiền bồi thường, tổng cộng chưa đầy 3 phút.
“Tôi chưa kịp nói gì thì các ông ấy đã đi mất rồi. Những năm tháng tôi bị giam oan, mang tội không phải do mình gây ra, gia đình tan nát, tài sản mất hết, sống không bằng chết, cuối cùng được trả 295 triệu đồng và một lời xin lỗi chóng vánh cho đủ thủ tục. Chưa bàn đến số tiền bồi thường ít ỏi mà hơn một nửa trong số đó là khoản tiền đi lại để khiếu nại suốt 9 năm qua, một buổi xin lỗi chân thành, đầy chia sẻ và thấu hiểu, khó vậy sao?” - ông Nhàn tâm sự khi cùng luật sư Trần Văn Hiếu đến Báo Người Lao Động cảm ơn vì đã đồng hành cùng ông suốt thời gian đi tìm công lý.
Trao đổi về câu chuyện của ông Nhàn, một thẩm phán đã nghỉ hưu ưu tư: “Trong hoạt động tố tụng, có lúc vì lý do gì đó dẫn đến làm oan, sai cho một người. Những mất mát về tinh thần, vật chất, tình cảm của người bị oan, sai không bao giờ có thể bù đắp được cho dù bồi thường cho họ thật nhiều tiền. Thế nhưng, một lời xin lỗi thành tâm thành ý ít ra cũng xoa dịu phần nào nỗi đau. Tiếc là trên thực tế, việc thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng. Một khi người làm sai chưa thật sự day dứt, thấu hiểu, thấm thía hậu quả sai trái do mình gây ra cho người vô tội thì những vụ án oan, sai sẽ vẫn còn”.
Hung thủ vẫn chưa sa lưới
Năm 2001, một vụ án mạng xảy ra tại phường 11, quận Tân Bình, TP HCM. Công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ trùng khớp với vân tay của ông Nhàn (bà con bạn dì với chồng nạn nhân). Ngày 3-1-2002, ông Nhàn bị khởi tố, bắt giam, CQĐT thu giữ số vàng trong nhà ông phù hợp với lời khai của chồng nạn nhân về số vàng đã mất.
Suốt quá trình điều tra và bị truy tố, ông Nhàn luôn kêu oan. Theo ông, dấu vân tay lưu lại hộc tủ là do trước đó ông được gia đình nạn nhân nhờ kê lại tủ. Ngoài ra, ông từng tâm sự với chồng nạn nhân về số tiền và vàng mẹ vợ ông vừa bán đất. Lời khai này trùng khớp lời khai mẹ vợ ông Nhàn và người mua đất.
Ngày 8-6-2006, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn. Ngày 21-2-2013, Cục Bồi thường nhà nước có công văn trả lời cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Nhàn là VKSND TP HCM.
Như vậy, vụ oan, sai của ông Nhàn đã khép lại. Tuy nhiên, hung thủ của vụ án vẫn chưa bị pháp luật trừng phạt. Giá mà ngày ấy, cơ quan tố tụng đừng quá chăm chăm tìm chứng cứ buộc tội ông Nhàn mà cố gắng tìm thêm chứng cứ gỡ tội, biết đâu kẻ giết người thật sự đã bị bắt.
Bình luận (0)