"Chủ tọa và mọi người ở đây thử tưởng tượng ngày nào đi làm về đến nhà là tôi đều nghe mẹ chồng chì chiết, xách mé chuyện tôi không có khả năng làm mẹ. Tôi hiểu anh ấy (anh T. - PV) cũng khổ tâm không kém tôi" - chị P.T.K (SN 1981) nói trước tòa. Chị quyết định ly hôn anh N.V.T (SN 1978) vì chị không có khả năng sinh con, dù anh T. không chấp nhận.
Phiên tòa hôm ấy, 2 người cùng lặng lẽ đến dự rồi lặng lẽ ra về…
Gánh nặng "không biết đẻ"
Chị K. và anh T. yêu nhau từ thời học phổ thông. Nhiều bạn bè ngưỡng mộ chuyện tình đẹp như mơ của đôi trai tài gái sắc năm nào. Đến năm 2014, họ cùng bước vào cuộc sống mới với một đám cưới hạnh phúc. Theo lời chị K., anh T. sống tình cảm, chu đáo và hiếu thảo với cha mẹ đôi bên. Là vợ, chị tự hào về điều đó. Cuộc sống êm đềm cứ vậy trôi qua.
Ba năm sau ngày cưới, dù gia đình nội, ngoại chờ mong nhưng đôi vợ chồng này vẫn không có tin vui. Năm đầu tiên, vợ chồng chị thống nhất dành thời gian ổn định công việc, kinh tế nên "kế hoạch". Năm kế tiếp, sau khi cuộc sống tương đối ổn định, anh chị quyết định sinh con. Nghe chuyện, mọi người trong gia đình vui mừng. Tuy nhiên, chờ đợi tin vui quá lâu, gia đình đôi bên đâm ra nghi ngại. "Cha mẹ chúng tôi mong có cháu ẵm bồng nên sốt ruột. Tôi và anh đều lo lắng. Mỗi lần nhắc đến chuyện con cái, không khí gia đình căng thẳng. Đôi lúc, tôi cảm thấy không thể hít thở" - chị K. nhớ lại.
Lo ngại giùm, nhiều người khuyên cả hai đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả khám sức khỏe khiến chị nghẹn đắng. Bác sĩ nói rằng chị không đủ sức khỏe sinh con. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn động viên nhau cố gắng chạy chữa. Rồi thì vợ chồng cùng đi vái tứ phương, từ thuốc nam đến thụ tinh nhân tạo. Xuôi Nam, ngược Bắc… Khổ nỗi, kết quả thu về chỉ là những mệt nhoài và sự dằn vặt bản thân. Tiếng bấc tiếng chì cùng với việc căng thẳng, bất hòa xảy ra giữa 2 vợ chồng dần nhiều hơn nhưng chị vẫn cố nén niềm u uất để sống qua ngày. Sau cùng, những uất ức, tủi phận đó bùng phát và chị gói gọn nó trong lá đơn xin ly hôn.
Khổ tâm, tự ti
Tại tòa, chủ tọa ra sức khuyên giải đôi vợ chồng trẻ. Bà cho rằng mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng không đến nỗi phải dứt tình, đường ai nấy đi như vậy. Vị chủ tọa phân giải: "Hai người còn trẻ, nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định để sau này đừng hối hận. Anh chị có thể nhận con nuôi. Tôi chứng kiến rất nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua áp lực sinh con nhờ giải pháp nhận con nuôi. Không có con ruột nhưng họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau". "Khổ nỗi, cha mẹ chồng tôi không chấp nhận" - chị K. sụt sùi.
Đến lượt mình, người chồng trình bày ly hôn không phải là mong muốn của anh và gia đình hai bên. Anh quả quyết rằng anh chưa bao giờ trách cứ hay phàn nàn chuyện không con với bất kỳ ai. "Đôi khi, vợ chồng không vui vẻ như trước kia vì nghe mọi người thúc giục sinh con. Cha mẹ tôi rất mong lên chức ông bà nội nên thường mang gánh nặng gán lên cô ấy. Về phần mình, tôi cũng mong làm cha nên nhiều lần vợ chồng nảy sinh tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ đó là điều dễ hiểu mà chúng tôi cần nắm tay nhau vượt qua" - anh T. nói trước HĐXX.
Chị K. không phủ nhận điều chồng biện minh. Dù vậy, chị vẫn không thay đổi quyết định. Chị cho rằng ly hôn là giải pháp tốt nhất giúp chị thoát khỏi sự tự ti, áp lực từ gia đình chồng. Chị thuật lại thái độ, lời nói của người thân phía nhà chồng thường thể hiện mỗi khi gặp chị. Nó ám ảnh chị đến từng giấc mơ, hơi thở. Không thể chịu đựng được, gần đây, khi đi khám, chị mới biết mình mắc bệnh trầm cảm.
Nghe vợ nói, anh T. tỏ ra bất ngờ. Anh không hay biết thời gian qua vợ mình chịu đựng những khó khăn như vậy. Cuối cùng, anh chấp nhận ly hôn như ý chị.
Phiên tòa kết thúc chóng vánh vì họ không có tài sản, con cái chung nên phần thủ tục diễn ra nhanh chóng. Họ lặng lẽ ra về, nỗi đau chia đôi. Chị quẳng đi nỗi u uất trong lòng trong sự phân ly. Tiếc cho cặp đôi này, ra khỏi phòng xử, chủ tọa phiên tòa vẫn nói với 2 người rằng nếu kiên trì và quan tâm lẫn nhau hơn, có thể vợ chồng họ sẽ bảo vệ tốt tình cảm, giữ vững hạnh phúc.
Ra về một mình, chị bước qua những cố chấp và bảo thủ trong lầm lũi và cô đơn. Còn anh, người chồng - người đàn ông những tưởng bản lĩnh sẽ đi đến cuối cuộc đời với chị - đã rảo bước và dần khuất dạng.
Bình luận (0)