Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Đòi tài sản", nợ hụi vẫn diễn ra dù bị đơn không có mặt. Nguyên đơn vụ kiện, bà H.T.N.D (SN 1979; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) tỏ ra không hài lòng. Trước khi vào phòng xử án, bà cố lớn tiếng: "Chắc họ (bị đơn - PV) mắc cỡ nên không dám đến".
Kiện vì tức
Trước tòa, nguyên đơn thuật lại giữa năm 2013, vợ chồng bà D.T.C (SN 1970) có hỏi vay bà 15 triệu đồng. Nể bà C. là chị họ nên bà D. bấm bụng rút khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng 4 năm trước ra. Được em giao "khúc ruột", bà C. viết giấy tay cam đoan trả dứt nợ trong 3 tháng. Vậy mà 6 năm trôi qua, vợ chồng bà C. chưa hề trả một đồng. Đã vậy, bà C. tham gia chơi hụi do bà D. làm chủ. Sau khi hốt hụi, bà C. ngưng đóng tiền hằng tháng. Lâm cảnh là người nhà, bà D. phải bỏ tiền bù vào chân hụi chết mà chị họ để lại. Tổng cộng, bà D. bỏ ra gần 63 triệu đồng thay người chị và cũng là con nợ đóng hụi "chết". Sau nhiều lần nói chuyện, bà C. chấp nhận viết giấy cam kết trả khoản tiền trên. Dù vậy, vợ chồng bà liên tiếp trốn tránh việc trả nợ.
"Là họ hàng thân thuộc nên tôi không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Nhưng anh chị ấy ngày càng chây ì, không trả cũng không nói một tiếng để tôi liệu tính. Tôi đợi 6 năm nhưng không thấy một lời giải thích" - bà D. phân trần. Nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc bị đơn trả một lúc 2 khoản nợ gốc, không đòi lãi suất.
Chủ tọa phiên tòa cho biết trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn luôn vắng mặt không rõ lý do mỗi khi HĐXX triệu tập đến làm việc, tham gia hòa giải. Sau khi thông báo thời gian mở phiên tòa, bị đơn không đến dự và không có đơn xin vắng mặt. HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả 2 khoản nợ.
Đối với cơ quan pháp luật, đây là vụ án đơn giản so với rất nhiều vụ án dân sự khác. Nhưng, sau bản án vẫn diễn ra một câu chuyện dài…
Minh họa: KHỀU
Giá như...
Nguyên đơn vội vã ra về. Theo chân bà D., chúng tôi những tưởng bà về nhà để thông báo tin vui thắng kiện cho các thành viên khác trong gia đình. Trái với suy đoán ấy, bà D. thuê xe ôm đến thẳng nhà bà C. (2 gia đình trú cùng huyện, khác xã).
Xe ôm dừng trước một căn nhà gạch lợp mái tôn tồi tàn. Cổng vào không có, cửa nhà mở toang, tài sản giá trị nhất có lẽ là chiếc xe máy cũ kỹ. Trả xong tiền xe ôm, bà D. lăm lăm xông vào bên trong nhà, vừa đi vừa oang oang nội dung bản án tòa tuyên. Nghe tiếng ồn, vài người ngó vào. Chủ nhà - bà C. - lật đật chạy ra. Người chị gầy gò, đen sạm vừa khóc vừa nói: "Không phải chị không muốn trả nhưng thực sự chị không trả nổi. Mấy năm nay, ông ấy (chồng bà C. - PV) đau bệnh liên miên. Trong nhà có gì cũng bán đi để lo thuốc thang hết rồi. Hoàn cảnh vợ chồng chị không phải em không biết".
"Dù không trả thì chị cũng phải qua nói một tiếng đàng hoàng. Tôi không tiếc tiền nhưng tôi thấy anh chị vô ơn. Vì thế mới đi kiện" - bà D. bật lại.
Bà C. giải thích mình không đến tòa vì không nhờ được người chăm sóc chồng. Nghe vợ nói, người chồng nằm liệt một chỗ sau tai nạn giao thông cách đây 5 năm rơm rớm nước mắt.
Sau một hồi to tiếng, cơn tức nguôi ngoai, bà D. bỏ về. Đám đông tan dần.
Cám cảnh 2 chị em, những người hàng xóm cũng tặc lưỡi, thở dài. Như nhiều người dân ở đây, bà D. quá hiểu hoàn cảnh éo le mà gia đình chị họ gánh chịu mấy năm qua. Vợ chồng bà C. không có con. Từ khi chồng bà C. gặp tai nạn, tiền chữa trị, sinh hoạt phí đè nặng lên vai bà. Có lẽ một phần vì sợ em họ ráo riết đòi tiền, một phần lo mất mặt nên bà C. chọn cách trốn tránh, im lặng qua ngày. Làm sao cơ quan thi hành án có thể thi hành bản án khi căn nhà vợ chồng bà C. đang cư ngụ là của một người bà con cho ở nhờ. Bản án có hiệu lực khi nào mới được bị đơn chấp hành…
Ai cũng tiếc là số tiền không nhiều nhưng đã làm rạn nứt tình cảm của 2 chị em này. Giá như người em thông cảm, khoan dung với người chị hơn một chút; người chị biết hành xử cho phải đạo thì mọi chuyện có lẽ đã khác…
Bình luận (0)