Do kinh doanh gặp khó khăn, chủ nhà chỉ giảm 1/3 giá thuê mặt bằng nên chị Trần Ngọc Anh (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) lên mạng tìm hiểu gói hỗ trợ trường hợp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chị đã làm theo hướng dẫn của một email giả mạo cơ quan công quyền của TP HCM gửi đến.
Nhắm vào người nghèo
Theo chị Ngọc Anh, khi lên mạng tìm hiểu gói hỗ trợ, thao tác đến khâu cuối thì hệ thống yêu cầu chị nhập mã OTP điện thoại mới được xem xét. Do được cảnh báo từ báo đài nên chị đã từ chối và gọi điện cho tổ trưởng tổ dân phố để được hướng dẫn thì mới hay mình suýt bị lừa.
"Ngỡ là đã được cứu trong lúc khó khăn nhưng suýt nữa tôi mất trắng số tiền ít ỏi còn lại trong tài khoản" - chị Ngọc Anh kể.
Trường hợp suýt bị lừa nhận hỗ trợ như chị Ngọc Anh không phải là cá biệt. Thời gian qua, lực lượng công an đã ghi nhận một số chiêu lừa khiến người nhẹ dạ có khả năng sụp bẫy cao. Trong đó, đáng kể nhất là chiêu giả mạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gởi email với nội dung "Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19". Email này còn đề nghị cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn. Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nhiều kẻ đã giả mạo các cơ quan nhà nước gửi tin nhắn, email lừa đảo đến những người đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19
Một chiêu khác cũng không kém phần tinh vi là giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế. Theo đó, những kẻ táng tận lương tâm đã gửi tin nhắn giả mạo với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ Y tế khiến không ít người sập bẫy. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục "đăng ký xin trợ cấp", người dùng cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)… Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài 2 chiêu trò trên, công an các cấp ở TP HCM còn ghi nhận một chiêu lừa khác là yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19. Đối tượng mà kẻ gian thường nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong thời gian dịch bệnh ở các vùng nông thôn…, không có điều kiện tiếp cận thông tin. Trong các tình huống này, kẻ gian thuyết phục người dân cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác, thậm chí đề nghị họ gửi video ghi hình lại gương mặt để hỗ trợ nhận tiền trợ cấp. Khi có được những dữ liệu này, kẻ gian sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính hoặc tổ chức tín dụng rồi chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.
Khó khăn cần hỏi ai?
Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng đã gửi mail chỉ rõ chiêu trò, hình thức lừa đảo đang diễn ra. Trong đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân; tuyệt đối không bấm vào đường link, tệp đính kèm; đồng thời xóa ngay các tin nhắn, email lạ này khỏi điện thoại, máy tính.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), nhấn mạnh địa chỉ website của các cơ quan nhà nước thường có đuôi .gov.vn. "Người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 có thể làm thủ tục đề nghị hỗ trợ trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc gọi tổng đài 1022, liên hệ tổ trưởng dân phố nơi cư ngụ hay cảnh sát khu vực, UBND phường - xã để nhận được sự tư vấn, trợ giúp. Người dân tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, ảnh chụp, video clip quay cận cảnh khuôn mặt, tên đăng nhập, mật khẩu , mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ tòa án, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội" - thiếu tá Nguyễn Chí Thanh lưu ý.
Trong khi đó, ông Lâm Quân Minh Vương - Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - cho biết để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, địa phương đã nhanh chóng triển khai cho các hội, đoàn thể rà soát, lập danh sách người cần giúp. Sau khi danh sách đưa lên, phường tiếp tục sàng lọc để hỗ trợ đúng đối tượng.
"Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động người dân ở các khu phố kịp thời phát hiện người khó khăn để tiếp cận, kiểm tra và trợ giúp. Như vậy, chính quyền địa phương sẽ không để người nào gặp khó khăn bị thiệt thòi. Ngoài những chính sách mà người dân được trợ cấp, cảnh sát khu vực, cán bộ phường còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm cho bà con" - ông Vương khẳng định.
Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận khuyến cáo người dân không nên tin vào các mail lạ gửi đến. Khi gặp khó khăn, ngoài tổng đài 1022 thì người dân cần nên liên hệ với cán bộ địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Theo bà Lê Thị Thu - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố là những người sâu sát thực tế ở địa phương. Vì thế, người dân khi cần giúp đỡ, đầu tiên phải liên hệ cảnh sát khu vực hay tổ trưởng.
"Khi được làm hồ sơ hỗ trợ thì bà con cần chờ thời gian để các cơ quan chức năng xem xét, tránh nôn nóng lên mạng tìm hiểu và làm theo hướng dẫn trên mạng, nhiều trường hợp không nhận được tiền mà còn mất tiền oan uổng" - bà Lê Thị Thu nhấn mạnh.
Giả luôn cả nhân viên y tế
Theo Công an TP HCM, ngoài những chiêu trò vừa nêu, kẻ gian còn liều lĩnh giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc-xin và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng, sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc-xin giả.
Ngoài ra, một chiêu thức lừa đảo khác mà người dân cần biết để phòng tránh. Đó là kẻ gian gọi điện thoại thông báo rằng người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
Bình luận (0)