Ngày 7-12, TAND TP HCM xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án “Cố ý gây thương tích” mà bị can là Trần Văn Em (SN 1943), Trần Văn Tú (SN 1971, con ruột Em) và Nguyễn Văn Nhã (SN 1990; cùng ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM).
Chém nhau vì… bãi phân bò
Theo bản án sơ thẩm, Trần Văn Tú có miếng đất trồng cỏ nuôi bò gần nhà anh Đặng Văn Thảo (ngụ xã Tân Thạnh Đông). Tú thường đổ phân bò ở đây nên khu đất bốc mùi hôi thối. Ngày 23-7-2012, thấy đống phân bò đổ gần nhà mình nên anh Thảo bức xúc, buông lời chửi mắng gia đình Tú. Sau đó, Tú và anh Thảo cùng chạy về nhà mang dao, xẻng ra rồi tiếp tục tranh cãi. Thấy vậy, ông Em cầm dao phát cỏ chém anh Thảo. Bị chém, anh Thảo dùng xẻng chống trả nên Tú xông ra hỗ trợ cha hành hung hàng xóm. Yếu thế, anh Thảo tháo chạy và được người dân đưa đi cấp cứu. Nghe chuyện, người nhà của anh Thảo kéo đến nhà ông Em. Nguyễn Văn Nhã, người làm công cho gia đình anh Thảo, cũng mang theo mã tấu đến hiện trường. Lợi dụng lúc đôi bên lời qua tiếng lại, Nhã leo tường vào nhà ông Em, đuổi chém khiến 2 người con của ông bị thương. Ông Em dùng dao phát cỏ chém lại Nhã. Hai bên xung đột đến lúc thương tích đầy mình mới thôi. Hậu quả, Nguyễn Văn Nhã bị thương tật 72%, anh Đặng Văn Thảo bị thương tật 48%.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Củ Chi tuyên phạt Trần Văn Em 3 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, 1 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Tổng hợp hình phạt bị cáo này phải chấp hành là 4 năm 6 tháng tù. Bị cáo Trần Văn Tú lãnh 5 năm tù, Nguyễn Văn Nhã lãnh 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Các bị cáo và bị hại đồng loạt kháng cáo. Cụ thể, 3 bị cáo đều cho rằng mình không phạm tội “Cố ý gây thương tích” nên đề nghị tòa xem xét lại nội dung bản án sơ thẩm. Riêng anh Đặng Văn Thảo và bị cáo Nhã đề nghị cấp phúc thẩm xét xử bị cáo Em và Tú tội danh “Giết người”.
Biên bản thực nghiệm… nói miệng!?
Tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của các bên không trùng khớp, bất nhất.
Theo đại diện VKSND TP HCM, lời khai của bị cáo, bị hại và nhân chứng là chứng cứ quan trọng xác định mức độ phạm tội của các bị cáo; cũng là căn cứ xác định cấp sơ thẩm có bỏ lọt người, lọt tội hay không. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong lời khai này chưa được làm rõ. Cấp sơ thẩm xác định bị cáo Nhã chém anh Trần Văn Tú Tài gây thương tật 23% nhưng giám định pháp y lại kết luận vết thương của anh Tài là do vật tày gây ra. “Ngoài ra, cần phải làm rõ các vết thương của Nhã có phải do một loại hung khí gây nên hay không? Vì vậy, cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xác định lại liệu một mình bị cáo Em có thể gây thương tích cho anh Thảo và bị cáo Nhã” - đại diện VKSND kiến nghị.
Đồng quan điểm với người giữ quyền công tố, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nhã và bị hại Thảo cho biết trong giai đoạn điều tra, luật sư gửi rất nhiều văn bản đến cơ quan điều tra huyện Củ Chi. Song, gần 3 năm qua, các cơ quan tố tụng gần như không giải quyết. Khi hồ sơ vụ án chuyển qua VKSND, bất ngờ bị hại Thảo và Nhã nhận được thông báo triệu tập đến thực nghiệm hiện trường. Khi đến, điều tra viên nói rằng thực nghiệm theo yêu cầu của tòa án. Luật sư đề nghị xem văn bản yêu cầu của tòa nhưng điều tra viên và đại diện VKSND không đáp ứng. Sau đó, 2 cơ quan này không xuất trình văn bản xác định tiến hành thực nghiệm điều tra hợp pháp. Do đó, luật sư đề nghị lập biên bản xác nhận không tiến hành thực nghiệm điều tra. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có biên bản này. Trả lời thắc mắc trên, đại diện VKSND huyện Củ Chi nói: “Các anh thông cảm, cái này chúng tôi chỉ… nói miệng với nhau (!?)”.
Cần thực nghiệm điều tra
Ngoài quan điểm của VKSND, luật sư, HĐXX cũng nhận định vụ án cần thực nghiệm điều tra để xác định lời khai của những người bên gia đình ông Em có thật sự khách quan; lời khai của nhân chứng có phù hợp với cơ chế hình thành vết thương trên người Nhã. Đồng thời, kết luận điều tra chưa đủ căn cứ xác định vết thương của Tài do Nhã gây nên.
Bình luận (0)