TAND TP HCM vừa tuyên phạt bị cáo Phạm Đức Chung (SN 1994, quê Nghệ An) 20 năm tù về tội “Giết người”, 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hình phạt bị cáo chấp hành là 25 năm tù. Năm 2013, Chung sát hại ông chủ rồi cướp tài sản, bỏ trốn.
Con nóng giận...
Tại tòa, Chung khai năm 2013, Chung trông nhà thuê cho anh Lê Thanh Hải (bị hại). Khuya hôm xảy ra vụ việc, anh Hải gây gổ với nhóm thanh niên (không rõ lai lịch). Khi ấy, Chung đang ngủ trong nhà. Tự nhiên anh Hải đi vào và chửi: “Sao hai thằng kia đánh mà mày không bênh tao?”. Không chỉ vậy, anh Hải còn xúc phạm người mẹ quá cố của Chung. Vì thế, hai bên gây chiến.
Mất lý trí, Chung cầm xà beng đập chết ông chủ. Sáng hôm sau, Chung vội thu gom đồ đạc, lấy nhiều tài sản của nạn nhân rồi bỏ đi. Lẩn trốn ở Hà Nội đến tháng 7-2013, Chung liên lạc với chị gái và kể hết sự tình. Dù chị khuyên can nhưng Chung vẫn trốn, sau đó xuất cảnh trái phép sang Lào. Trong thời gian làm thuê nơi đất khách, Chung hối hận. Vì vậy, chiều 10-5-2015, Chung đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) đầu thú.
Lời khai của bị cáo trùng khớp với kết luận điều tra.
Đại diện VKSND TP HCM ghi nhận sự thành khẩn, khai báo rành rẽ của Chung. “Pháp luật luôn mở rộng đường cho những ai muốn quay về. Dù hơn 3 năm trôi qua nhưng sự ăn năn, hối cải của bị cáo không bao giờ là muộn” - đại diện VKS khẳng định. Trên tinh thần ấy, ông đề nghị HĐXX cân nhắc giảm một phần hình phạt.
Luật sư bào chữa cũng mong tòa xem xét thấu đáo nguyên nhân, hậu quả vụ án, mở lối thoát để bị cáo làm lại cuộc đời. Bày tỏ sự tiếc nuối, ông nói: “Diễn biến vụ án cho thấy Chung không muốn tước đoạt mạng sống của bị hại. Giá như bị hại không gây sự trước thì không có chuyện đáng tiếc xảy ra”.
Nói lời sau cùng, bị cáo nhận tội và mong tòa khoan hồng để có thể sớm quay về phụng dưỡng cha già.
... Cha đau đớn
Trước tòa, ôm di ảnh con, cha nạn nhân mong tòa trừng trị kẻ nhẫn tâm hủy hoại cuộc sống của con trai mình. “Từ khi mất đi trụ cột, gia đình tôi điêu đứng. Đứa cháu mới 5 tháng tuổi của tôi vĩnh viễn mất cha, con dâu tôi trở thành góa phụ. Còn tôi sống như đã chết. Không qua nổi cú sốc, vợ tôi nằm liệt giường. Mong quý tòa bắt kẻ giết người đền mạng” - ông nghẹn ngào, ánh mắt chỉ trích hướng lên vành móng ngựa.
Phòng xử lặng ngắt.
Còn cha bị cáo ngồi ở góc khuất nhất trong phòng xử án, không dám nhìn ai. Ông kể vợ mất sớm, ông đi bước nữa, các con xa nhà đi làm. Cuộc sống chật vật xô đẩy ông vào cảnh “nghèo” thông tin, từ đó “nghèo” luôn kiến thức pháp luật. Con ông cũng vậy. Ba năm Chung ở tù, ông và gia đình không hề hay biết. Luật sư phải nhờ chính quyền địa phương tìm địa chỉ rồi hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí giúp ông vào TP dự tòa, gặp con. Đây là lần đầu tiên một mình ông đi xa như vậy.
Vì xích mích nhỏ trong gia đình nên Chung bỏ nhà vào TP tìm việc. Chung là con trai duy nhất, là đứa con ông đặt nhiều tình thương và hy vọng nhất. Tiếc rằng tội ác không chỉ khiến Chung bỏ lại tuổi thanh xuân sau song sắt nhà tù mà còn khiến người cha còm cõi “gánh” thêm trách nhiệm trước cộng đồng khi sinh ra một phạm nhân.
Rồi đây, không ai giúp, liệu ông có biết đường lên trại thăm nuôi, có đợi được đến lúc con trai trở lại làm người lương thiện để phụng dưỡng mình như đã hứa!…
Bình luận (0)