Theo thông báo kết quả điều tra số 132/TB-KQĐT ngày 22-3, lý do Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn không khởi tố vụ án đối với vụ việc hành hung, gây thương tích đối với anh Trần Thế Dũng, phóng viên Báo NLĐ, là dựa trên kết quả giám định pháp y về thương tật có kết quả 2% và kết quả điều tra chỉ làm rõ được đối tượng Phan Bình An là người dùng chân, tay đánh phóng viên Trần Thế Dũng (ngoài ra không làm rõ được đối tượng nào khác).
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự nói trên gây xôn xao dư luận, gây bức xúc không chỉ cho người bị hại và cơ quan quản lý báo chí mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý đáng quan tâm.
Theo quan điểm của chúng tôi, quyết định nói trên của cơ quan điều tra Công an huyện Cao Lộc chưa xem xét toàn diện những vấn đề và căn cứ sau đây:
Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng đến thăm phóng viên Trần Thế Dũng tại Bệnh viện Việt – Đức. Ảnh: H.N
Một là, theo quy định tại điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, việc giám định để xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe là hoạt động tố tụng bắt buộc làm cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
Tuy nhiên, trong vụ án này, cần làm rõ nguyên nhân vì sao sau thời gian hơn một tháng, cơ quan điều tra mới tiến hành trưng cầu giám định, vì hoạt động giám định lúc này được thực hiện tại thời điểm thương tật của người bị hại đã được điều trị và đang trong trạng thái ổn định.
Mặt khác, việc giám định cần thiết phải dựa vào hồ sơ, tài liệu phản ánh hiện trạng thương tật của nạn nhân ngay thời điểm xảy ra sự việc mới có tính toàn diện, khách quan và đầy đủ.
Cụ thể, sau khi xảy ra sự việc, phóng viên Trần Thế Dũng đã vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Lạng Sơn, nhưng sau đó được chuyển đến Bệnh viện Việt- Đức (Hà Nội) để theo dõi chấn thương sọ não.
Theo tài liệu trích sao bệnh án số 177/10/KHTH ngày 18-1 của Bệnh viện Việt-Đức thì khi khám ngoài, phóng viên Trần Thế Dũng có biểu hiện “tụ máu quanh hốc mắt hai bên, tụ máu xung huyết hai mắt” với chẩn đoán “chấn thương sọ não kín”, sau khi điều trị, bác sĩ mới chỉ định chuyển Bệnh viện Mắt Trung ương.
Hai là, theo các dấu hiệu đặc trưng và các tình tiết liên quan được quy định tại điều 104 Bộ Luật Hình sự năm 1999 về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì dấu hiệu tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% không phải là căn cứ duy nhất truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều luật này.
Nếu chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật “có tổ chức” (điểm e), “có tính chất côn đồ” (điểm i) và “để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” (điểm k), mặc dù tỉ lệ thương tật dưới 11% thì vẫn có căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Để làm rõ có hay không yếu tố có tổ chức, có tính chất côn đồ, cần xem xét toàn diện diễn biến vụ việc.
Trong vụ việc này, cho thấy vào tối 6-1, tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, phóng viên Trần Thế Dũng sau khi chụp ảnh những chiếc xe chuyên dùng chở gia cầm nhập lậu, lúc đầu anh bị 2 người nhảy vào tấn công, chưa kịp định thần thì có thêm 7-8 người nữa xông vào liên tục đấm, đá khắp người khiến anh quỵ xuống đất. Sau đó, khi chạy ra quốc lộ cầu cứu thì bị khống chế đẩy lên ô tô 7 chỗ...
Ngay sau khi bị hành hung khoảng 40 phút, phóng viên Trần Thế Dũng đã được đưa đến hiện trường với hàng chục nhân chứng và trình báo toàn bộ sự việc (có biên bản) và nhận mặt một số người (qua ảnh) trong số những kẻ tham gia vụ tổ chức hành hung anh. Thậm chí, phóng viên Trần Thế Dũng còn cung cấp tên, số điện thoại, vị trí ngôi nhà của một người tham gia vụ hành hung.
Trong buổi đối chất giữa phóng viên Trần Thế Dũng và Phan Bình An (ngày 4-3) tại Công an huyện Cao Lộc, chính An đã thừa nhận có nhiều người tham gia vụ tấn công (mục Chính trị Xã hội - Báo Người Lao Động online ngày 26-3-2010)...
Như vậy, ngoài việc phóng viên Trần Thế Dũng bị nhiều người tấn công, khống chế, hành vi của họ còn có dấu hiệu “có tính chất côn đồ” được hiểu là người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược...
Ngoài ra, theo trình bày, phóng viên Trần Thế Dũng có mặt tại nơi xảy ra sự việc là nhằm thực hiện loạt bài điều tra về tình hình buôn lậu qua biên giới theo chỉ đạo của tòa soạn. Về lý luận khoa học pháp lý, tình tiết “đang thi hành công vụ” được hiểu là đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao phó hoặc nhiệm vụ có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định.
Mặt khác, theo ông chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, cũng được coi là thi hành công vụ đối với những người tuy không được giao nhiệm vụ nhưng họ tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định.
Riêng đối với tình tiết “vì lý do công vụ của nạn nhân” được hiểu là nạn nhân là người đã thi hành một nhiệm vụ và vì thế đã làm cho người phạm tội thù oán dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe...
Ba là, trong sự việc này, theo chúng tôi cần làm rõ một số dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật khác, vì khi sự việc xảy ra, chiếc xe máy của nạn nhân đã bị nhóm côn đồ cướp mất và 2 ngày sau, bộ đội biên phòng mới tìm thấy tại khu vực biên giới huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, có dấu hiệu của hành vi “cướp tài sản”.
Mặt khác, ngoài khu vực chỉ cách khu vực cửa khẩu Hữu Nghị chưa đến 1 km, lại xảy ra trên quốc lộ, nên cần xem xét dấu hiệu của tội phạm “gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 245 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Hành vi khách quan của tội phạm này là người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng...
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi khởi đầu để xem xét cho hành vi kế tiếp là cố ý gây thương tích...
Như vậy, qua đánh giá những tình tiết trích dẫn như trên, để xem xét một cách toàn diện bản chất của vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lạng Sơn cần thiết phải thẩm tra, làm rõ những ntình tiết khác theo quy định của pháp luật.
Đừng dân sự hóa vụ án hình sự
Nguyen Kim Nga Không có tính răn đe
Các anh không đơn độc
|
Bình luận (0)