Luật sư Nguyễn Minh Thuận (nguyên phóng viên Nội chính Báo Thanh Niên): Phải chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn.
Tôi không đồng tình với quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc, vì khoản 2, điều 107 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:... Hành vi không cấu thành tội phạm...”.
Vấn đề đặt ra là hành vi của Phan Bình An có cấu thành tội phạm hay không? Theo tôi là có. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản e và i, điều 104 của Bộ Luật Hình sự, dù thương tật nạn nhân dưới 11% thì người thực hiện hành vi phạm tội vẫn có thể bị xử lý hình sự khi: “Có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ...”.
Theo thông tin báo chí thì có rất nhiều người tham gia đánh anh Dũng. Anh Dũng khai: “Tôi phát hiện lái xe chính là người chỉ huy và tham gia tấn công tôi nhiều nhất. Chưa kịp phản ứng thì họ đã đẩy tôi lên xe, chở thẳng vào trụ sở Công an thị trấn Đồng Đăng cùng lời thách đố: Tao chở vào công an để xem mày làm gì được tao!”. Điều này cho thấy có sự sắp xếp, tổ chức của những người đánh anh Dũng. Hành vi đánh anh Dũng đã thể hiện sự côn đồ của những kẻ coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.
Còn hành vi chở anh Dũng vào công an rồi buông lời thách đố là quá coi thường pháp luật. Điều tôi ngờ vực nhất là không biết nghiệp vụ của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc như thế nào mà một vụ án như thế lại không xác định được các cá nhân đi cùng với An nhằm xác định làm rõ tính “có tổ chức” của vụ việc này.
Tôi cho rằng phải chuyển hồ sơ vụ việc lên CQĐT có thẩm quyền cao hơn để làm rõ trách nhiệm của những đối tượng có liên quan và có hình thức xử lý nghiêm minh.
Ngô Chí Tùng (phóng viên Nội chính Báo Lao Động): Cái ác đã không bị nghiêm trị
Trong thời gian vừa qua, trên cả nước đã xảy ra không ít vụ hành hung phóng viên khi đang tác nghiệp. Điều đáng nói là tất cả những vụ hành hung đó đều xảy ra ở những địa bàn khá nóng bỏng về buôn lậu, phá rừng... Điều có thể thấy rõ nhất là những đối tượng tấn công phóng viên đều không muốn hành vi vi phạm pháp luật của mình bị phơi bày lên mặt báo.
Phóng viên với trách nhiệm xã hội và nghề nghiệp đã bất chấp nguy hiểm để đưa đến cho công chúng những thông tin trung thực, khách quan; tố giác những cái xấu nhằm mục đích hướng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Vì lẽ đó, pháp luật Việt Nam cũng như trên thế giới đều bảo trợ quyền hoạt động của phóng viên bằng các quy định: Nghiêm cấm những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Thế nhưng, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc không khởi tố vụ án để điều tra một nhóm côn đồ hành hung dã man phóng viên Trần Thế Dũng cho thấy hoạt động đúng pháp luật của nhà báo đã không được bảo vệ.
Phải chăng Công an huyện Cao Lộc yếu kém về nghiệp vụ? Phải chăng ở nơi đây cái ác đã không bị nghiêm trị?
Trung Dung (phóng viên Nội chính Báo Pháp Luật TPHCM): Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Phóng viên Trần Thế Dũng được Báo Người Lao Động giao nhiệm vụ thực hiện đề tài về buôn lậu qua biên giới, xem như anh Dũng đang thi hành công vụ. Nhóm đối tượng tấn công, gây thương tích cho anh đã phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích”. Thế nên, theo tôi, việc CQĐT Công an huyện Cao Lộc không khởi tố vụ án đã thể hiện sự thiếu khách quan, chưa làm hết trách nhiệm điều tra, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Thời gian qua, có nhiều nhà báo bị tấn công khi đang tác nghiệp hợp pháp khiến không chỉ báo giới mà dư luận xã hội cùng bức xúc. Tình trạng này cho thấy mức độ nguy hiểm của nghề báo, cần được hội nghề nghiệp và các cơ quan pháp luật bảo vệ. Nếu những vụ này (điển hình là vụ hành hung phóng viên Trần Thế Dũng) bị chìm xuồng thì cái ác sẽ có dịp lộng hành, những người làm báo chân chính lo lắng, thậm chí chùn bước và quan trọng là tính nghiêm minh của pháp luật sẽ giảm.
Tôi kiến nghị các cơ quan pháp luật cấp cao hơn vào cuộc, xem xét toàn diện lại thông báo kết quả điều tra số 132/TB-KQĐT ngày 22-3-2010 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc.
Hoàng Khương (phóng viên Nội chính Báo Tuổi Trẻ TPHCM): Thất vọng và bất an !
Cũng như các đồng nghiệp khác, tôi đã không ít lần “đụng” đến quyền lợi không hợp pháp của nhiều người. Để đi đến tận cùng của sự thật, tôi và các đồng nghiệp đã phải “bầm giập từ trong ra ngoài” để tiếp cận đối tượng, tài liệu, chứng cứ, hình ảnh... dù biết rằng “tỉ lệ thương tật” của mình có thể không dưới... 2%.
May mắn thay, tôi chưa bị “xử” như đồng nghiệp Trần Thế Dũng (dẫu nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” vì những “cú đấm thô bạo” từ sau lưng). Nhưng qua cách hành xử của CQĐT Công an huyện Cao Lộc, tôi thật sự thất vọng và bất an! Nếu vụ việc này không xử lý đến nơi đến chốn sẽ tạo tiền lệ xấu trong hoạt động nghề nghiệp của các phóng viên chân chính.
Bình luận (0)