Vụ phát hiện 3 cháu gái làm tiếp viên tại quán cà phê ôm Ngọc Lan 79 (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) không thể xử lý hình sự ai. Đó là thông tin công an cho biết vào sáng 14-11. Hiện công an đã thả chủ quán này.
Một cán bộ công an nói: "Nếu nhìn sơ thì giống như mua bán người nhưng thực sự không phải. Mua bán người giống như mình bắt đứa bé rồi mua bán trao đổi lấy tiền. Còn vụ này các cháu muốn có tiền nên đến trung tâm xin việc làm rồi bọn cò lái bắt mối mới dẫn đến quán cà phê. Đó giống như một hình thức giới thiệu việc làm rồi thu tiền".
Ông Bùi Tấn Thành (bìa phải) chủ quán cà phê ôm sử dụng lao động trẻ em
Đại úy Lê Xuân Quang - Phó Công an phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết đã đề nghị Công an thị xã Dĩ An làm văn bản trả lời cụ thể vụ việc cho Báo Người Lao Động về cách giải quyết.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, 3 cháu gái (13-14 tuổi) kể các cháu từ tỉnh Bình Thuận vào TP HCM xin việc. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin, các cháu gặp một đối tượng tên Công. Công hứa giới thiệu các cháu làm nhân viên phục vụ nhà hàng với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau đó, Công nói nhà hàng không còn tuyển người. Công chở các cháu đến quán cà phê Ngọc Lan 79 bán cho chủ quán với giá 4 triệu đồng/cháu rồi Công bỏ về.
Các cháu kể khi biết đây là cà phê ôm, các cháu không chịu làm việc thì chủ quán yêu cầu phải trả lại số tiền mà chủ quán đưa cho "cò". Do các cháu không có tiền trả nên người của quán buộc phải làm ít nhất 3 tháng. Lương mỗi tháng là 4 triệu đồng.
Đáng nói, dù biết các cháu không đủ tuổi nhưng chủ quán vẫn yêu cầu các cháu ngồi chung với khách, cho khách "thoải mái", nếu phản đối sẽ bị mắng chửi. Các cháu luôn bị canh phòng để khỏi trốn.
Sáng cùng ngày, luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng vụ việc này cần khởi tố để điều tra vì chủ quán và "cò" có dấu hiệu phạm tội của tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo điều 120 - Bộ Luật Hình sự.
Luật sư Tiến chia sẻ nếu những thông tin mà báo chí đưa là chính xác thì có thể thấy chủ quán đã có hành vi dùng tiền để trao đổi các bé gái như một loại hàng hóa, biến các cháu thành những con nợ. Đây là việc làm lừa lọc, thất đức, gây phẫn nộ trong dư luận.
Bao cao su được tìm thấy trong quán
Tại khoản 1, điều 4 Thông tư số 01/2013-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013 về việc hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nêu rõ: "Mua bán trẻ em" được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa. "Ở đây vì các em mới chỉ từ 13-14 tuổi (dưới 16 tuổi) nên giao dịch giữa "cò" và chủ quán có thể có dấu hiệu của tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo điều 120 - Bộ Luật Hình sự"-LS Tiến khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do trước nay không bị xử lý nên "cò" và chủ quán cà phê ôm ngày càng cấu kết chặt chẽ. "Cò" thường lên mạng đăng tuyển nhân viên nhà hàng. Khi các bé gái liên hệ thì "cò" sẽ lừa phỉnh, chở đến "bán" cho chủ các quán cà phê ôm để lấy tiền.
Đưa tiền cho "cò" xong chủ quán thường giữ CMND hoặc điện thoại hay sim điện thoại và cử người canh phòng các thiếu nữ, ép thiếu nữ tiếp khách. Có em sa vào con đường bán dâm từ đây.
Bình luận (0)