Tay chống gậy, 2 anh em ruột là ông T.C.Q và bà T.T.K.A (ngụ quận 11, TP HCM) khó nhọc lê từng bước vào phòng xử. Đây là lần thứ năm, họ đến TAND Cấp cao tại TP HCM dự phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ việc “Đòi nhà cho ở nhờ” mà bà A. là nguyên đơn.
Ở nhờ rồi… chiếm luôn?
Bà T.T.K.A cho biết năm 2009, ông T.C.Q làm thủ tục tặng bà căn nhà số 37 Nguyễn Văn Phú, quận 11, TP HCM. Trước đó, ông Q. cho gia đình ông N.N.S (cháu gọi bằng cậu ruột) vào ở nhờ. Vì sợ con cháu cực khổ nên bà A. không ngần ngại để gia đình ông S. tiếp tục sinh sống trong căn nhà.
Vài năm trở lại đây, do có nhu cầu về nhà ở nên bà A. muốn đòi lại căn nhà trên. Tuy nhiên, gia đình ông S. không hề có ý định trả tài sản vốn không phải của mình. “Nghĩ tình ruột thịt nên tôi mới cho các cháu vào ở, ai ngờ chúng cạn tàu ráo máng, nổi lòng tham mà trở mặt. Tuổi già sức yếu, tôi chỉ biết trông cậy vào phán quyết công bằng, nghiêm minh của pháp luật” - giọng bà A. chua chát.
Đã 9 năm trôi qua kể từ khi bà A. đưa ra yêu cầu lấy lại nhà. Đó cũng là khoảng thời gian 2 anh em bà phải gian nan theo kiện, đối mặt với sự lạnh nhạt của những đứa cháu.
Giải thích về hành động của cả gia đình mình, tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, ông S. trần tình rằng lúc đầu, ông Q. làm di chúc để lại căn nhà cho gia đình ông S. với điều kiện phải sửa chữa căn nhà và lo ma chay cho cha ruột ông Q. Bảy anh em ông S. tốn 23 lượng vàng sửa nhà và 40 lượng vàng lo ma chay. Sau đó, ông Q. không giữ lời, hủy di chúc và tặng tài sản cho bà A. Bất mãn trước cách cư xử của cậu mình, ông S. yêu cầu ông Q. và bà A. hoàn trả toàn bộ số tiền nêu trên thì mới trả nhà.
Đau thắt từng khúc ruột
Nhắc đến diễn biến phiên tòa sơ thẩm, ông Q. vẫn đau thắt từng khúc ruột. Ông giải thích vì các cháu hứa sẽ chăm sóc khi về già nên ông mới quyết định để lại tài sản. Không ngờ khi làm xong giấy tờ, ông S. không làm theo giao hẹn mà bỏ mặc ông Q. lúc ốm đau. Vì vậy, ông Q. quyết định hủy di chúc, giao lại căn nhà cho bà A. trông nom.
Lần này ra tòa, ông Q. cũng chỉ mong HĐXX sớm có phán quyết để lòng thanh thản. “Ở tuổi thất thập cổ lai hy, thật chẳng ai muốn tranh giành để mất con mất cháu” - ông Q. rầu rĩ.
Cũng như các lần xét xử trước, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phía bị đơn thay nhau vắng mặt. Lần này, chỉ ông N.N.S.L (một thành viên trong gia đình ông S.) có mặt. Thờ ơ đi qua những người thân của mình, ông L. bước lên trước HĐXX và cho biết không rõ lý do những người khác vắng mặt.
Chủ tọa phiên tòa ngao ngán: “Hơn ai hết, HĐXX mong muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc để hai bên ổn định cuộc sống, tinh thần. Dù vậy, đây đã là lần thứ năm chúng tôi triệu tập các bên nhưng nhiều người phía gia đình ông S. vẫn không hợp tác, gây khó khăn cho công tác xét xử. Vì thế, HĐXX buộc phải hoãn phiên tòa một lần nữa”. Vị chủ tọa cũng mong bà A. và ông Q. thông cảm cho kết quả không ai mong muốn này.
Ra về, ông Q. và bà A. nhận được những lời an ủi, cái nắm tay động viên của nhiều người dự tòa. Ông Q. khẳng định dù kết quả thế nào thì ông cũng không phiền lòng. Bà A. gửi lời cảm ơn đến những người đã đồng hành, chia sẻ với anh em bà trong suốt quá trình theo đuổi vụ việc.
Hai ông bà cùng nhau ra khỏi phòng xử. Cơn gió nhẹ thổi qua như mang theo lời nói của bà A. vọng khắp hành lang tòa án: “Dù tình thân không còn nhưng chúng tôi vẫn vui vì biết mình không đơn độc. Tôi hy vọng vào đạo lý, vào phán quyết công bằng của pháp luật”.
Cấp sơ thẩm tuyên bà A. được nhận lại nhà
Năm 2013, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và buộc ông S. cùng những người liên quan trả lại căn nhà số 37 Nguyễn Văn Phú cho bà A. HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của gia đình ông S. Theo đó, bà A. phải trả lại hơn 130 triệu đồng chi phí sửa chữa nhà (theo định giá của tòa án). Bà A. đã tự nguyện hoàn trả số tiền này. Sau đó, gia đình ông S. đã kháng cáo.
Bình luận (0)