Ngày 8-1, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã dẫn đầu Đoàn Giám sát của Quốc hội đến làm việc với tỉnh Sóc Trăng về tình trạng oan sai trong thời gian qua ở tỉnh này.
Sơ suất, nóng vội
Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2012 đến hết tháng 9-2014, có 40 vụ án với 52 bị can được đình chỉ điều tra. Theo đó, năm 2012 có 16 vụ án với 18 bị can; năm 2013 có 12 vụ án với 13 bị can; năm 2014 có 12 vụ án với 21 bị can. Nguyên nhân: Không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, miễn trách nhiệm hình sự.
Riêng trong năm 2014 đã xảy ra trường hợp làm oan 7 thanh niên trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Báo cáo vụ này, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết nguyên nhân oan sai là do lực lượng điều tra sơ suất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án… Ngoài ra, cơ quan này cũng viện lý do là trình độ, năng lực của các điều tra viên không đồng đều, một số điều tra viên mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế; lực lượng điều tra viên còn thiếu, nhất là đối với cấp huyện.
Trong khi đó, báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội về vụ oan sai ở Trần Đề, VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng do kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ việc không thực hiện đúng quy chế kiểm sát điều tra đã dẫn đến bắt oan 7 thanh niên. Cơ quan này cũng viện lý do trình độ, năng lực của một số KSV còn hạn chế, chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm. Sau vụ này, có 2 điều tra viên và 1 KSV bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chậm bồi thường do... chờ tiền
Tại buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn Giám sát của Quốc hội đặt vấn đề về tiến độ công khai xin lỗi và bồi thường oan sai ở Sóc Trăng còn chậm, gây khó khăn cho người bị hàm oan. Bởi lẽ, theo báo cáo của VKSND tỉnh Sóc Trăng, trong tổng số 9 đơn đề nghị bồi thường nhưng chỉ mới giải quyết được 1 đơn với số tiền gần 100 triệu đồng.
Cụ thể, đến ngày 8-1, VKSND tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa đến địa phương xin lỗi 7 thanh niên bị oan sai trong vụ án giết tài xế xe ôm sau hơn 7 tháng họ được đình chỉ điều tra. Trong khi đó, trả lời với báo chí trước đây, đại diện VKSND tỉnh khẳng định sẽ tiến hành xin lỗi công khai 7 thanh niên vào cuối tháng 12-2014.
Anh Trần Hol, 1 trong 7 người bị oan, bày tỏ: “Chúng tôi cần được xin lỗi sớm để đón cái Tết sum vầy, vui vẻ bên gia đình và bà con lối xóm”. Cũng theo anh Hol, sau khi cho tạm ứng 20 triệu đồng/người từ số tiền bồi thường oan sai, đến nay họ vẫn chưa nhận được gì.
Về nguyên nhân chậm bồi thường oan sai, VKSND tỉnh Sóc Trăng lý giải là... chờ VKSND Tối cao cấp kinh phí để chi trả cho các đương sự. “Số tiền chi trả cho 7 thanh niên bị oan sai ở Trần Đề đã về tới VKSND tỉnh. Chúng tôi sẽ chi trả trong vài ngày tới” - một đại diện của VKSND tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Ba bị can vừa được đình chỉ điều tra trong vụ Lâm Tài Mấu tử vong (Báo Người Lao Động đã thông tin) là ông Phạm Văn Lé, bà Thạch Thị Xem, Phạm Văn Lến đã có đơn gửi VKSND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu bồi thường oan sai với tổng số tiền 559 triệu đồng.
Bình luận (0)