Ngày 13-10, TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ kiện "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Trong phiên tòa chiều 23-10, đại diện VKSND TP HCM đã trình bày quan điểm giải quyết vụ kiện này. Cụ thể, Vinasun tố Grab lợi dụng mạo nhận là công ty công nghệ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và khuyến mãi vi phạm pháp luật. Tổng thiệt hại Grab gây ra cho Vinasun là hơn 41,2 tỉ đồng do tỉ lệ giảm sút nhân với tỉ lệ xe Grab đăng ký và buộc Grab bồi thường một lần.
Đại diện VKSND TP HCM trình bày quan điểm
Grab là một trong những đơn vị tham gia đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải ở 5 địa phương tại Việt Nam. Grab chỉ được kết nối vận tải chứ không được kinh doanh vận tải hành khách.
Vinasun nói rằng đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải cùng ngành nghề như Vinasun. Cụ thể, Grab đã trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký của tài xế, thưởng và phạt tài xế, kết nối ngân hàng cho tài xế vay tiền mua xe, mua bảo hiểm cho khách, điều xe…
Ngoài ra, Grab còn vi phạm tính bảo mật thông tin khách hàng, không ra hợp đồng điện tử và phát triển ngoài những địa phương đăng ký thí điểm.
Nguyên đơn Vinasun (trái) và bị đơn Grab phải
Nguyên nhân tụt giảm doanh số là khách hàng rời khỏi Vinasun sang sử dụng Grab, khoảng 10.000 tài xế nghỉ việc sang chạy cho Grab.
Về phía bị đơn, Grab bác bỏ cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab là nguyên nhân khiến Vinasun tụt giảm doanh số, gây thiệt hại cho Vinasun. Grab cho rằng Vinasun cho rằng khuyến mãi của Grab gây rối loạn thị trường vận tải taxi là không có căn cứ vì chưa có cơ quan chức năng nào xử phạt Grab về việc này. Vì vậy, Grab đề nghị tòa đình chỉ vụ án nếu không đình chỉ thì đưa Bộ Giao thông Vận tải tham gia để làm rõ Grab có vi phạm đề án thí điểm hay không.
Grab cũng khẳng định doanh nghiệp mình không vi phạm đề án thí điểm; các nội dung mà Vinasun tố thì Grab đều thực hiện đúng theo đề án thí điểm và quy định của pháp luật; Grab không vi phạm luật cạnh tranh. Từ những phân tích này Grab nói rằng không vi phạm pháp luật nên không chấp nhận bồi thường thiệt hại như cáo buộc của Vinasun.
Theo VKSND TP HCM, đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP HCM. Vinasun và Grab đều là doanh nghiệp nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế TAND TP HCM. Việc Grab yêu cầu đưa Bộ Giao thông Vận tải tham gia thì VKS cho rằng đề án thí điểm không thuộc đối tượng khởi kiện nên không cần đưa Bộ Giao thông Vận tải tham gia phiên tòa.
Trong các phiên tòa trước Grab yêu cầu đổi cơ quan giám định vì cho rằng kết quả giám định thiếu trung thực, không khách quan.
VKSND TP HCM cho rằng không cần thiết phải giám định lại. Về pháp lý, Grab đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải nội thành ngoại thành mặc dù theo đề án đăng ký thì Grab không được kinh doanh vận tải. Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để hoạt động ngành nghề kinh doanh vận tải cùng ngành nghề giống như Vinasun. Ngoài ra, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi trong đó có những chuyến xe 0 đồng. Đủ cơ sở xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi chứ không đơn thuần là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối công nghệ giữa khách hàng và tài xế.
Về giá trị cổ phiếu bị sụt giảm, theo những báo cáo tài chính cho thấy Vinasun tụt giảm vốn hóa là có cơ sở. VKSND TP HCM cho rằng đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 41,2 tỉ đồng.
Bình luận (0)