Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo góp ý dự án Luật Báo chí (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức chiều 16-3.
Theo nhiều đại diện cơ quan thông tấn báo chí tại TP, các điều khoản thể hiện việc quản lý sát sao của Nhà nước đối với cơ quan báo chí như cơ quan báo chí muốn thêm trang, làm báo xuân, ra số đặc biệt… phải xin giấy phép.
“Chúng tôi hay ví von đó là nỗi khổ từ các giấy phép. Có cần phải tới mức quản lý từng bản tin?” - đại diện báo Pháp luật TP HCM phản ánh.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ khoản 3, điều 20 trong luật. Thực tế, chuyện một tờ báo thêm trang, mục là rất bình thường, không cần thiết phải xin cấp phép.
Đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng đóng góp ý kiến tại hội thảo
Ngoài ra, các cơ quan báo chí còn đóng góp ý kiến là theo dự thảo, dù Nhà nước “quản” chặt nhưng vẫn “để xổng”, còn bỏ ngỏ việc quản lý nội dung như nhiều thông tin trên mạng xã hội lượng truy cập, tầm ảnh hưởng cao hơn thông tin chính thống nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế cụ thể nhằm kiểm soát, quản lý hình thức tin tức này.
Ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, nhận xét: "Thực tế chứng minh mỗi công dân đều có thể trở thành nhà báo khi có phương tiện ghi âm, chụp hình, quay phim. Trong khi đó, Luật Báo chí (sửa đổi) chỉ tập trung kiểm soát đơn vị báo chí trực thuộc Nhà nước. “Siết” như vậy là đi lệch hướng so với xu thế phát triển hiện nay. Cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho báo chí tăng cường thông tin chính thống trên mạng xã hội chứ không thể kìm kẹp thông tin" .
Bình luận (0)