Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Căn cứ quy định tại điều 6 Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau: Hợp đồng ký với doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng ký với DN trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề ký với DN đưa NLĐ đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề. Hợp đồng cá nhân.
Theo đó, mọi trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp đều được thực hiện dưới hình thức hợp đồng. Việc đưa lao động đi làm "chui" được hiểu là việc NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các công ty xuất khẩu lao động chính thống mà đi theo con đường tiểu ngạch (hay còn gọi là vượt biên trái phép).
Vượt biên trái phép là qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo điểm a khoản 3 điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam, người vượt biên trái phép khi bị bắt giữ còn đối mặt với các hình thức xử lý theo pháp luật của nước sở tại như bị giam giữ, buộc lao động công ích, bị phạt tiền, bị trục xuất về nước…
Người nào lợi dụng hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài không đúng quy định sẽ bị phạt tiền 150 - 200 triệu đồng theo điểm b khoản 3 điều 34 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ có mức phạt tù cao nhất lên tới 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm (điều 349 Bộ Luật Hình sự 2015).
NLĐ đi làm việc "chui" ở nước ngoài nên cân nhắc vì phải đối mặt với nhiều rủi ro như: bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, không được bảo vệ khi bị ngược đãi và bị cơ quan chức năng nước đến làm việc truy lùng và trục xuất.
Bình luận (0)