Ngày 24-5, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết UBND tỉnh này đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến 2 dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3.
14 năm chưa xây dựng xong
Dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) có tổng công suất 11 MW, tổng vốn đầu tư gần 350 tỉ đồng do Công ty CP Thủy điện Đắk Glun làm chủ đầu tư. Tháng 12-2009, UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà máy thủy điện này. Tháng 12-2010, UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận điều chỉnh dự án nhà máy thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 với tiến độ thực hiện từ năm 2012 - 2014.
Cũng trong năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao, cho thuê 208 ha đất cho chủ đầu thực hiện dự án. Tại thời điểm giao đất có gần 189 ha đất có rừng, trong đó có hơn 25 ha rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, cơ quan chức năng phát hiện có hơn 59 ha đất bị chồng lấn lên đất quốc phòng nhưng UBND tỉnh Đắk Nông chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
Đây là một trong những vướng mắc ảnh hưởng đến việc triển khai dự án. Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Đắk Glun, đến tháng 8-2022, tổng vốn đã thực hiện 2 nhà máy là hơn 85 tỉ đồng, chỉ đạt 23,2% tổng mức đầu tư.
Báo cáo nêu trường hợp vì lý do thay đổi cơ chế chính sách dẫn đến dự án buộc phải dừng triển khai các bước tiếp theo thì công ty sẽ phá sản, ảnh hưởng lớn đến các cổ đông tham gia dự án, người lao động và môi trường đầu tư. Từ đó, Công ty CP Thủy điện Đắk Glun kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh cắt giảm hơn 59 ha đất bị chồng lấn lên đất của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông.
Cũng theo Công ty CP Thủy điện Đắk Glun, trong giai đoạn 2010 - 2015, công ty tập trung cho việc hoàn tất các giấy tờ, thủ tục pháp lý và mất nhiều thời gian đền bù đất đai, hoa màu cho người dân nên dự án bị chậm trễ, phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ. Đến tháng 7-2015, chủ đầu tư đã thực hiện san ủi đường thi công vào khu đầu mối thủy điện Đắk Glun 2 nhưng từ đó đến nay, công ty tiếp tục gặp vướng mắc về thủ tục hồ sơ pháp lý và đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án.
Công ty CP Thủy điện Đắk Glun đang triển khai xây dựng 2 nhà máy thủy điện dù còn nhiều vướng mắc
Nhiều sai phạm
Theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ, việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 có nhiều vi phạm.
Theo đó, đến ngày 31-12-2014 là hết thời hạn thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh) nhưng UBND tỉnh Đắk Nông chưa xem xét, xử lý việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
Đối với diện tích 208 ha đất đã giao, trong đó có gần 189 ha đất có rừng, bao gồm hơn 25 ha rừng tự nhiên là thuộc trường hợp phải xử lý thu hồi theo quy định nhưng UBND tỉnh Đắk Nông chưa xem xét, xử lý việc thu hồi. Việc thi công xây dựng trên phần diện tích 189 ha đất có rừng này là hành vi vi phạm, bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định (Bộ Công Thương) trình bộ này phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Đắk Glun 2 nhưng không lấy ý kiến của UBND tỉnh Đắk Nông và các bộ, ngành liên quan là vi phạm quy định. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định cũng mắc sai sót khi trình Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Đắk Glun 3 nhưng không tiếp thu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định điều chỉnh quy hoạch thủy điện Đắk Glun 3 không phù hợp với tiêu chí dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Tại báo cáo mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho rằng nếu việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để triển khai dự án gây ảnh hưởng lớn thì cần xem xét chấm dứt dự án theo quy định.
Chủ đầu tư: "Chúng tôi làm đúng luật"
Ông Hồng Vĩnh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Đắk Glun, cho biết công ty này vẫn đang tiếp tục xây dựng 2 nhà máy. Về các kết luận sai phạm của cơ quan thẩm quyền, ông Cường khẳng định: "Chúng tôi làm đúng luật, có giấy tờ đầy đủ mà như vậy là chịu thôi. Chúng tôi chỉ muốn đầu tư, chỉ muốn phát triển tỉnh".
Phân trần thêm về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Cường cho rằng chủ yếu do nguyên nhân khách quan: ảnh hưởng của dịch COVID-19; thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch 2 nhà máy kéo dài do khách quan từ các cơ quan bộ, ngành... Ngoài ra, phần diện tích đất rừng xin điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch kéo dài đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Bình luận (0)