xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dương Chí Dũng phủ nhận tiền “lại quả”

NGUYỄN QUYẾT

Các bị cáo lại tiếp tục tranh cãi, đổ tội cho nhau trong khi luật sư đưa ra nhiều tình tiết mới chứng minh thân chủ mình vô tội

Ngày 22-4, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Bị cáo chỉ nhận chai rượu thôi!

Trong phiên tòa, luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập các nhân chứng liên quan đến vụ tham ô tài sản như: Ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M; đại diện công ty của Nga nơi bán ụ nổi được cho là có thể biết về tỉ lệ ăn chia trong số tiền “lại quả” hơn 1,66 triệu USD và lái xe của bị cáo Trần Hải Sơn đã đón Dũng tại khách sạn Victory (TP HCM). HĐXX cho biết sẽ xem xét yêu cầu trên.

Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm                                                           Ảnh: TTXVN
Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm Ảnh: TTXVN

Việc chia chác khoản tiền tham ô đã được các bị cáo tranh luận cả trong phiên sơ thẩm. Trước tòa, 2 bị cáo Dũng và Phúc tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền “lại quả” từ Trần Hải Sơn. Bị cáo Dũng ngoài kêu oan tội tham ô tài sản còn đề nghị xem xét lại hình phạt tội cố ý làm trái. “Việc khảo sát để mua ụ nổi của Công ty AP là do Mai Văn Phúc điều hành, tổ chức đoàn khảo sát về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M. Khi đoàn khảo sát về thì sang gặp bị cáo và cho bị cáo chai rượu thôi” - Dũng trình bày.

Lại “điệp khúc” không biết, không có

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Hải Sơn khai: Sau khi mua ụ nổi 83M, Công ty AP có “lại quả” 1,66 triệu USD nên anh Dũng, anh Phúc chỉ đạo bị cáo nhận tiền. Sau đó, bị cáo đã lập hợp đồng khống giữa Công ty AP và công ty của em gái bị cáo (Công ty Phú Hà - PV) để ông Goh, Công ty AP chuyển tiền vào. Sau đó, bị cáo được anh Dũng chỉ đạo chia: Anh Dũng 10 tỉ đồng, anh Phúc 10 tỉ đồng, anh Chiều 340 triệu đồng và còn lại bị cáo được 7,8 tỉ đồng. Bị cáo và lái xe đã đến khách sạn Victory để đưa 5 tỉ đồng cho anh Dũng. Còn lần đưa 5 tỉ đồng cho Dũng ở Hải Phòng là do Huyền em gái bị cáo đưa.

Theo bị cáo Sơn, việc đưa hối lộ diễn ra vào 17 giờ 30 phút ngày 6-7-2007 tại khách sạn Victory. Tuy nhiên, Dũng cự lại rằng thời điểm đó, Dũng đang ở trên máy bay. Cựu chủ tịch Vinalines cũng cho rằng giữa bị cáo và Trần Hải Sơn chỉ có mối quan hệ bình thường. Mãi đến khi cơ quan điều tra vào cuộc bị cáo mới biết có khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD. Bị cáo Dũng khẳng định không làm việc trực tiếp với công ty của Nga và Singapore để đàm phán mua ụ nổi và không biết việc Công ty AP chuyển 1,66 triệu USD qua Công ty Phú Hà.

Tương tự, bị cáo Mai Văn Phúc phản bác: “Việc tòa sơ thẩm quy kết bị cáo tội cố ý làm trái là không đúng, tội của bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm, bị cáo không phạm tội tham ô 10 tỉ đồng. Bị cáo chỉ nhận của Trần Hải Sơn 1 lần cuối năm 2008 là 1 chai rượu và 2 triệu đồng trong phong bì”. Ngoài ra, bị cáo này cũng cho rằng lời khai của Sơn đưa tiền cho bị cáo 10 tỉ đồng và gặp con trai bị cáo ở nhà là không đúng vì lúc đó con trai lớn bị cáo đang học ở nước ngoài, đứa còn lại thì chỉ 10 tuổi.

Riêng nhóm các bị cáo Chi cục Hải quan Vân Phong thì xin giảm nhẹ hình phạt vì nhận thức về tàu biển và ụ nổi là chưa chính xác. Các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên muốn xin được khoan hồng để sớm trở về cuộc sống.

Tại phiên tòa, bà Phạm Thị Mai Phương, vợ bị cáo Dương Chí Dũng, kháng cáo yêu cầu hủy quyết định kê biên 3 căn nhà của Dương Chí Dũng. Theo bà Phương, 2 căn hộ cho chị T. đứng tên là do Dương Chí Dũng lấy tiền của bà để mua (số tiền này do bà mượn). Còn căn nhà vợ chồng bà ở là do tiền chung của vợ chồng, tiền bố mẹ bà Phương cho và cũng một phần do bà tự kinh doanh mà có.

Hôm nay (23-4), phiên tòa tiếp tục.

Trước phiên tòa, bị cáo Dương Chí Dũng và Trần Hải Sơn đã nộp khắc phục hậu quả tổng cộng 8,2 tỉ đồng; trong đó, bị cáo Dũng nộp 4,7 tỉ đồng. Bị cáo Dũng lý giải khoản tiền này là để khắc phục chung những hậu quả gây ra từ hành vi của mình. “Bị cáo thề có trời đất chứng giám không có chuyện nhận 10 tỉ đồng từ Trần Hải Sơn” - bị cáo Dũng thề thốt.

 

 

Bất ngờ với bản khai tuyên thệ!

Tại phiên tòa, luật sư Trần Đình Triển cho biết chuyến đi Singapore của ông đã thu thập được nhiều tài liệu chứng minh bị cáo Dương Chí Dũng không có liên quan đến khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD và công bố “Bản khai tuyên thệ trước pháp luật” của ông Goh Hoon Seow đã được công chứng.

Theo nội dung bản khai, ông Goh Hoon Seow cho biết có biết ông Dũng và các con của ông Dũng khi họ học tại Singapore. “Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ liên lạc hay bàn bạc cá nhân hay gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng không liên lạc hay bàn bạc với ông Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) về việc bán ụ nổi 83M. Tôi chỉ gặp ông Phúc 1 lần và chào xã giao tại trụ sở Vinalines ở Hà Nội cùng với ông Chiều, ông Sơn và người phiên dịch” - ông Goh viết.

Lần đầu tiên ông Goh gặp đoàn Vinalines để bàn chuyện mua ụ nổi 83M là tại Vladivostok - Nga. Sau khi Công ty Global Success (GS) và Vinalines đồng ý mua bán ụ nổi 83M qua Công ty AP, AP đã gửi đến Vinalines bản đề nghị chính thức về việc mua bán theo hướng dẫn của phía GS và đàm phán về việc bán ụ nổi 83M được bắt đầu sau đó. Việc đàm phán được tiến hành giữa ông và đại diện Vinalines là ông Sơn. “Trong khi bàn bạc và đàm phán với ông Sơn cùng cộng sự của ông ấy về thương vụ 83M, tôi không đề cập bất cứ điều gì về khoản “lại quả”. Ông Sơn không biết tiếng Anh. Mọi thỏa thuận và đàm phán giữa tôi và ông Sơn đều qua phiên dịch” - ông Goh khẳng định trong bản khai.

Trong bản khai, ông Goh cho biết việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức tín dụng thư. Số tiền 1,66 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Khi ký thỏa thuận, AP không hề biết Công ty Phú Hà.

Ông Goh khẳng định không yêu cầu ông Sơn mở tài khoản của Phú Hà tại Ngân hàng UOB. AP lần đầu nghe tới tên Phú Hà qua GS với tư cách là một công ty sẽ nhận các khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu ụ nổi 83M. “Tôi không thỏa thuận với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,66 triệu USD” - bản khai viết.

“Theo yêu cầu của ông Sơn, tôi đã ký một thỏa thuận đầu tư dự án khai thác điểm thông quan nội địa (cảng cạn) ngay sau khi hoàn thành thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. Tôi không nhớ rõ ngày ký thỏa thuận này, không có bản sao của thỏa thuận và cũng không tham gia vào hoạt động của công ty liên doanh. Tôi nhớ có một tập tài liệu được ký để chấm dứt hoạt động của liên doanh này sau đó, cũng theo yêu cầu của ông Sơn” - ông Goh viết trong bản khai.

 

Diễn biến vụ án

Ngày 1-2-2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ngày 17-5-2012, cơ quan điều tra khởi tố thêm tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 18-5-2012, Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt. Đầu tháng 9-2012, bị cáo Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế tại Campuchia.

Xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù tội cố ý làm trái; tổng hợp hình phạt tử hình. Trần Hữu Chiều 19 năm tù, Trần Hải Sơn 22 năm tù cho 2 tội tham ô và cố ý làm trái.

Về cùng tội cố ý làm trái, bị cáo Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Vinalines) bị phạt 7 năm tù, Bùi Thị Bích Loan 4 năm tù, Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6) 7 năm tù,

Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) 8 năm tù, Lê Ngọc Triện (nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù, Lê Văn Lừng 8 năm tù.

Sau đó, trừ bị cáo Bùi Thị Bích Loan, 9 bị cáo còn lại đều có đơn kháng cáo.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo