Ngày 14-8, TAND tỉnh Trà Vinh đã đưa vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Trà Vinh (viết tắt là Agribank Trà Vinh) ra xét xử. Tuy nhiên, sau phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn xử vì lý do nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Gây thiệt hại 52,4 tỉ đồng
Nhóm 5 bị cáo bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Trần Vũ Dũng (SN 1971), Đỗ Thái Hòa (SN 1975), Nguyễn Hồng Nam (SN 1968), Bùi Thị Tuyết Mai (SN 1962) và Nguyễn Hữu Lộc (SN 1959).
Nhóm 3 bị cáo bị truy tố tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gồm: Nguyễn Văn Trực (SN 1957, nguyên Phó Giám đốc Agribank Trà Vinh), Nguyễn Quốc Hoàn (SN 1962, nguyên Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh) và Cao Văn Phong (SN 1976, nguyên Phó trưởng Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh).
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Trà Vinh, Công ty CP Aquafeed Cửu Long được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 15 tỉ đồng, chuyên kinh doanh - sản xuất thức ăn thủy sản. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Biển Tây do ông Trần Vũ Dũng làm đại diện, góp 7,485 tỉ đồng; Công ty CP Công nghiệp Thủy sản do ông Nguyễn Hữu Lộc làm đại diện, góp vốn 3 tỉ đồng; Công ty Dịch vụ Cảng cá Cát Lở góp 1,5 tỉ đồng… Đến năm 2008, HĐQT thống nhất tăng vốn điều lệ từ 15 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là sản xuất cá giống, nuôi cá thịt…
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 14-8
Đầu năm 2009, ông Phạm Đặng Hữu Thành (quyền Giám đốc Công ty CP Aquafeed Cửu Long) cùng Đỗ Thái Hòa (kế toán trưởng) gặp và trao đổi với ông Phạm Thanh Cần, Giám đốc Agribank Trà Vinh, xin vay vốn.
Từ ngày 30-6-2010 đến 29-12-2011, ông Lộc cùng ông Dũng và các bị cáo khác đã ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Công ty Aquafeed Cửu Long với Công ty CP Công nghiệp Thủy sản, Công ty Biển Tây để Công ty Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống giải ngân chuyển tiền vào tài khoản của công ty. Theo đó, nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo Agribank Trà Vinh đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 52,4 tỉ đồng.
Cựu lãnh đạo Agribank Trà Vinh kêu oan
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Trực đã có đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng.
Ông Trực khẳng định việc cho vay đối với Công ty Aquafeed Cửu Long là đúng theo quyết định của Agribank. Theo ông Trực, khi ký cho Công ty Aquafeed Cửu Long vay vốn, ông thấy rằng công ty có đủ điều kiện vay vốn, đối tượng vay phù hợp với ngành nghề phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và hỗ trợ địa phương đẩy mạnh nghề nuôi cá tra, cá basa.
Ông Trực khẳng định từ tháng 6-2009 đến tháng 2-2011, tăng mức vay lên 80 tỉ đồng thì công ty có tài sản thế chấp, thiết bị, nhà xưởng… Suốt khoảng thời gian này, công ty vay và trả nợ đầy đủ, không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Về việc cáo trạng kết luận gây thiệt hại 52,4 tỉ đồng, ông Trực cho rằng khoản này chưa thiệt hại. Bởi vì, theo các tài liệu, biên bản làm việc với Công ty Aquafeed Cửu Long trước đây cũng như báo cáo tín dụng, khoản vay 100 tỉ đồng của Công ty Aquafeed Cửu Long có đầy đủ tài sản thế chấp, công ty thực tế vẫn còn nguồn thu để trả nợ ngân hàng như thu từ công nợ phải thu và xử lý các tài sản mà công ty thuộc quyền sở hữu đã thế chấp ngân hàng, còn quyền quyết định.
Cụ thể, tài sản thế chấp là nhà xưởng, thiết bị, máy móc khoảng 32 tỉ đồng (hợp đồng thế chấp tài sản số 01AQ/TC và 02AQ/HĐTC ngày 1-3-2011), công nợ phải thu (theo hợp đồng thế chấp số 01/TC); theo danh sách công nợ phải thu mà người dân còn nợ tiền mua thức ăn nuôi cá của công ty tính đến ngày 28-2-2013 là 91,2 tỉ đồng. Đây là khoản nợ được hình thành từ vốn vay của Agribank Trà Vinh, cho vay mua nguyên liệu sau đó nhà máy đưa vào sản xuất ra thành phẩm, công ty bán chịu cho người mua, hình thành công nợ phải thu. Hiện nay, công ty vẫn còn quyền đòi nợ đối với những người thiếu nợ; hơn nữa, công ty đã cam kết xem các khoản thu này là thế chấp quyền đòi nợ cho bên vay.
Ngoài ra còn có một khoản phải thu từ tiền đặt cọc vùng nuôi khoảng 13 tỉ đồng, cũng thuộc quyền thu nợ của ngân hàng. Tóm lại, tổng tài sản doanh nghiệp thế chấp cho ngân hàng đến thời điểm khởi tố vụ án là 136 tỉ đồng (lớn hơn 100 tỉ đồng nợ vay ngân hàng).
Hình sự hóa quan hệ kinh tế?
Luật sư Đỗ Hòa (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định bản chất của vụ việc là quan hệ kinh tế vì công nợ vay còn trong thời hạn trả nợ; tài sản doanh nghiệp thế chấp cho ngân hàng là 136 tỉ đồng… Tuy nhiên, Công an tỉnh Trà Vinh lại khởi tố vụ án để điều tra hơn 4 năm với 2 bản kết luận điều tra, điều tra bổ sung. Cơ quan Điều tra, VKSND cho rằng các bị cáo có hành vi gian dối trong thủ tục cho vay, Agribank Trà Vinh có thiệt hại, bị lừa đảo để ra quyết định bắt giam các bị cáo. Nói đúng hơn là Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã hình sự hóa quan hệ kinh tế trong việc vay vốn kinh doanh giữa Công ty Aquafeed Cửu Long với Agribank Trà Vinh trong khi các bị cáo không có hành vi gian dối, không có ý thức chiếm đoạt và không chiếm đoạt tài sản.
Bình luận (0)