Sáng 29-6, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với các bị cáo Phan Lâm Hơn, Phạm Thị Bình (nguyên giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình) và bị cáo Phạm Thị Thu Thảo (em ruột bà Bình).
Sau đó, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Bình Định để điều tra bổ sung. Lý do, mới đây bị cáo Phan Lâm Hơn và các luật sư đã cung cấp một số tài liệu, chứng cứ mới có thể làm thay đổi toàn bộ bản chất vụ án. Để bảo đảm việc giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan, HĐXX TAND tỉnh Bình Định quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ngoài việc yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung (vừa được tòa chấp thuận), các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Bình, Phạm Thị Thu Thảo cũng đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Định thay đổi biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ việc tạm giam đối với 2 bị cáo này do đã bị tạm giam quá lâu, trong khi vụ án có dấu hiệu khởi tố, truy tố oan.
Gia đình bị cáo xúc động khi HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Theo cáo trạng, năm 2009, Công ty TNHH Thanh Bình (viết tắt Công ty Thanh Bình, trụ sở tại Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn, Bình Định) vay của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Bình Định 14,9 tỉ đồng. Để đảm bảo cho khoản vay trên, Công ty Thanh Bình ký 7 hợp đồng thế chấp tài sản, gồm: rừng bạch đàn, 50 container, nhà xưởng chính, máy sản xuất dăm gỗ… được Vietcombank Chi nhánh Bình Định định giá hơn 19 tỉ đồng. Năm 2013, do nợ quá hạn, Vietcombank Chi nhánh Bình Định khởi kiện, yêu cầu Công ty Thanh Bình trả nợ và xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Phan Lâm Hơn phát hiện trong 7 hợp đồng thế chấp có một số hợp đồng bị Vietcombank Chi nhánh Bình Định lắp ghép, điền thêm tài sản thế chấp nên tố cáo Vietcombank Chi nhánh Bình Định có dấu hiệu làm giả hồ sơ của Công ty Thanh Bình. TAND tỉnh Bình Định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý vì có dấu hiệu hình sự.
Trong thời gian TAND tỉnh Bình Định giải quyết vụ kiện giữa Vietcombank Chi nhánh Bình Định và Công ty Thanh Bình, ngày 20-8-2014, TAND TP Quy Nhơn cũng thụ lý vụ kiện do nguyên đơn là bà Phạm Thị Thu Thảo và bà Phạm Thị Minh, kiện đòi nợ Công ty Thanh Bình 15 tỉ đồng gốc và lãi. Ngày 12-9-2014, TAND TP Quy Nhơn ban hành 2 Quyết định số 169, 170 /2014/QD9ST-DS công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, buộc Công ty Thanh Bình trả nợ cho bà Thảo và bà Minh, trong đó có một phần tài sản trên đất là nhà kho và các vật liệu kiến trúc khác thuộc quyền sở hữu của Công ty Thanh Bình. Sau đó Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết việc THA trên.
Trong quá trình THA, Cục THA dân sự tỉnh Bình Định đã lập biên bản bàn giao toàn bộ tài sản của Công ty Thanh Bình cho bà Thảo và bà Minh, trong đó có 6 tài sản mà Vietcombank Chi nhánh Bình Định cho rằng Công ty Thanh Bình đã thế chấp vay tín dụng.
Sau khi nhận hồ sơ từ TAND tỉnh Bình Định chuyển sang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định có văn bản kiến nghị VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định kháng nghị hủy 2 Quyết định 169, 170 của TAND TP Quy Nhơn. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy 2 quyết định trên với lý do TAND TP Quy Nhơn giải quyết vụ kiện của bà Thảo, bà Minh mà không đưa Vietcombank Chi nhánh Bình Định tham gia với tư cách người liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Quá trình điều tra, ông Phan Lâm Hơn đã bị khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" vào tháng 3-2016. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định cho rằng bà Bình (vợ ông Hơn) và bà Phạm Thị Thu Thảo (người cho vay, em bà Bình) có hành vi giúp sức cho ông Hơn trong việc lập khống hồ sơ vay tiền của bà Thảo, bà Minh nên cũng bị khởi tố về tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và bắt tạm giam cho đến nay.
Đối với các cán bộ thuộc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bình Định, như: Trần Văn Thao, Thái Văn Năm, Phạm Thị Tuyết Mai, Hoàng Tuấn Minh, Nguyễn Duy Sơn, Trần Thị Tường Vi, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định xác định là những người trực tiếp báo cáo thẩm định đề xuất… lắp ghép con dấu của Công ty Thanh Bình vào hợp đồng thế chấp, đơn đăng ký giao dịch bảo đảm không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cơ quan điều tra tách riêng để xem xét khởi tố, xử lý sau.
Đối với chấp hành viên Hồ Quang Vinh (nguyên Cục trưởng Cục THA tỉnh Bình Định, đã nghỉ hưu), Nguyễn Văn Chánh và Nguyễn Văn Tuấn, thực hiện không đầy đủ thủ tục THA dân sự…có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, hành vi của những người này xảy ra trong lĩnh vực xâm phạm hoạt động tư pháp nên cơ quan điều tra tách riêng và chuyển toàn bộ tài liệu hồ sơ cho Cục Điều tra VKSND Tối cao điều tra theo thẩm quyền.
Từng trả hồ sơ điều tra bổ sung
Được biết, trước đó, khi tiếp cận hồ sơ vụ án, các luật sư xác định vụ án có dấu hiệu hình sự hóa các tranh chấp dân sự nên đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan tố tụng ở Bình Định và trung ương xem xét, trả hồ sơ điều tra bổ sung. TAND tỉnh Bình Định cũng đã từng ra quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung nhưng VKSND tỉnh Bình Định không trả hồ sơ về Cơ quan Điều tra mà "vẫn giữ nguyên quan điểm đã truy tố".
Bình luận (0)