Hàng chục Fanpage nổi tiếng trên Facebook đã đột nhiên biến mất trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Theo các chuyên gia, đây là tiếng chuông cảnh báo cho việc thiếu tôn trọng bản quyền vốn tồn tại lâu nay trong cộng đồng mạng tại Việt Nam.
Ăn cắp, “xào nấu” video
Cuối tuần qua, hàng loạt Fanpage trên Facebook, trong đó có nhiều Fanpage nổi tiếng, bỗng dưng không thể truy cập được khiến người hâm mộ (fan) không khỏi lo lắng. Chỉ trong buổi tối 18-3, có đến hơn 20 trang Fanpage cộng đồng vốn rất phổ biến tại Việt Nam như Welax, Ghiền Bóng Đá, Câu Chuyện Cuộc Sống, Nam , PetsVN… không truy cập được. Các Fanpage này có lượng theo dõi đều trên 400.000 Like. Đáng chú ý, Fanpage chính thức của Foody.vn với hơn 3 triệu Like, từng được xác nhận dấu Tích xanh (xác nhận Thương hiệu), cũng bị khóa. Đến ngày 19-3, một số Fanpage đã được Facebook mở khóa và hoạt động lại bình thường. Trước đó, khoảng cuối năm 2016, Facebook cũng bất ngờ xử lý các tài khoản Facebook bao gồm cả tài khoản cá nhân (Profile) lẫn các Fanpage của những người nổi tiếng tại Việt Nam. Lúc đó, Facebook cũng xử lý các tài khoản có “Like ảo” (mua Like, gộp các trang để tăng Like không đúng mục đích…) khiến hàng loạt tài khoản của các ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng bị mất một lượng fan khá lớn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Văn, chuyên gia marketing tại Công ty VNETCOM Marketing Online, cho biết việc nhiều Fanpage bị Facebook khóa phần lớn là do vi phạm bản quyền. Nhiều Fanpage đã lấy lại các video “hot” trên mạng về “xào nấu” lại hoặc đăng nguyên xi để câu Like, câu View, thu hút thêm lượt theo dõi (Follow) mới. “Đây là chiến dịch của Facebook nhằm xử lý việc vi phạm bản quyền đã tồn tại rất lâu cũng như đang bùng phát mạnh trên Facebook ở Việt Nam. Nhiều trang Facebook đã được cảnh báo về bản quyền nhưng không nghe, dẫn đến tình trạng bị khóa như trên” - ông Văn nói.
Theo đại diện Công ty Digital Marketing, đối tác chính thức của Facebook và Google tại Việt Nam, động thái này của Facebook diễn ra trong bối cảnh các vụ lùm xùm về vấn đề liên quan đến bản quyền nội dung khi nhiều cá nhân, tổ chức đang sao chép, “xào nấu” các sản phẩm của người khác để đưa lên mạng. Bên cạnh đó, nhiều Fanpage đang chạy quảng cáo Facebook, bán hàng online… để thu lợi nhuận và để kiếm được nhiều tiền, thu hút khách hàng thì các Fanpage này đã lấy lại các video, hình ảnh, bài viết từ nhiều nơi khác mà không xin phép và đăng tải công khai khiến chủ nhân rất bức xúc. Hiện nay, nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới thường xuyên phàn nàn với Facebook vì nội dung của họ bị đánh cắp trong khi giải pháp xử lý vấn đề này vẫn chưa được triệt để, gây thiệt hại nặng.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết nguyên nhân một số Fanpage biến mất đột ngột là do không quản lý kỹ đội ngũ Admin. Nhiều Admin đã không còn làm việc cho các trang này nhưng tài khoản vẫn còn, có thể họ đã đóng nó. Ngoài ra, nhiều trang để mất tài khoản, mật khẩu vào tay các hacker và bị chiếm đoạt.
Âm thầm thanh lọc
Trở lại sự cố nhiều Fanpage bị Facebook khóa vừa qua, Trưởng Nhóm quản lý Nhóm Cộng đồng Nhà quảng cáo Facebook tại Việt Nam (đang làm việc tại Facebook Singapore) lý giải: “Khi chúng ta ngày càng hội nhập với thế giới thì việc chấp hành luật về sở hữu trí tuệ là điều tất yếu. Muốn mượn nội dung trên trang khác, hãy share (chia sẻ) bài gốc của họ hoặc xin phép trực tiếp. Bên cạnh đó, gần đây, Facebook có hình thức video kèm link, khi bấm vào thì video sẽ tiếp tục phát ở trên và bên dưới load một website. Trong khi hình thức này còn đang ở dạng thử nghiệm công khai thì rất nhiều trang đã lợi dụng để spam bằng cách đưa ra nội dung video Viral (video có khả năng lan truyền nhanh) phía trên kèm một trang Spam quảng cáo hay tệ hơn là Scam (lừa đảo, giật gân để thu hút người dùng click vào) bên dưới. Điều này đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng của Facebook”.
Facebook trước nay chưa từng xác nhận là thường xuyên thanh lọc các tài khoản kém chất lượng, nhất là các tài khoản vi phạm nguyên tắc cộng đồng và nội dung bản quyền. Tuy nhiên trên thực tế, Facebook âm thầm thanh lọc khiến nhiều tài khoản biến mất nhanh chóng. Do đó, khi gia nhập Facebook, người dùng buộc phải tuân thủ các luật lệ trên sân chơi này cho dù tài khoản đó đã chi hàng chục hay hàng trăm triệu đồng cho quảng cáo. Nếu người dùng cho rằng mình bị oan, Facebook khuyến khích gửi kháng nghị đến đội ngũ của họ và sẽ được giải quyết sớm nhất là 48 giờ, tùy vấn đề đang gặp phải.
Việt Nam hiện nằm trong “danh sách đen” về việc vi phạm bản quyền, điều này đang diễn ra tràn lan trên YouTube, Facebook và bị thế giới đánh giá thấp về quyền sở hữu trí tuệ. Theo các chuyên gia, Facebook đang khẩn trương hoàn thiện công cụ quản lý nội dung bản quyền video với tên gọi Rights Manager trong bối cảnh mạng xã hội này không ngừng hiện thực hóa tham vọng tấn công vào nền tảng video, tạo dựng một kênh kiếm tiền mới cho các xuất bản, vốn là thị trường “độc tôn” của YouTube. Khi công cụ này hoàn thiện thì Facebook sẽ thẳng tay trừng trị các video vi phạm bản quyền để chỉ còn lại những video chất lượng, có quyền sở hữu trí tuệ rõ ràng.
Lượng người dùng tăng nhanh
Theo số liệu thống kê từ báo cáo “We are Social 2017” của HootSuite, tính đến tháng 1-2017, Việt Nam có khoảng 46 triệu người dùng Facebook, đứng vị trí thứ 9 trong Top 10 quốc gia có người dùng đông nhất trên mạng xã hội này. Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có tỉ lệ xếp hạng tăng trưởng Social Media cao nhất trên thế giới, tăng 31% so với năm 2016 (11 triệu người dùng). TP HCM nằm vị trí thứ 10 trong Top 10 TP có số lượng người dùng Facebook đông nhất trên thế giới với 9,7 triệu thành viên.
Bình luận (0)