Ngày 19-4, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho biết vừa kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án để xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật đối với bị cáo Trần Hùng Tâm (SN 1982, quê An Giang) về tội “Cướp giật tài sản”.
Theo bản án phúc thẩm, chiều 17-1-2009, Trần Hùng Tâm và Trần Phước Hiền đi từ TP Long Xuyên (An Giang) đến quán cà phê tại TP Cần Thơ gặp Đoàn Văn Phúc.
Gặp bạn, Phúc cho biết bà Nguyễn Thị Út (hàng xóm của Phúc) thường đi thu tiền hụi từ 16 giờ đến 17 giờ hằng ngày nên cả nhóm bàn bạc kế hoạch giật giỏ tiền của bà. Ngay sau đó, Phúc chở Tâm bám theo bà Út trên đường bà đi thu tiền hụi về rồi ra tay giật giỏ trên đoạn đường vắng.
Sau khi giật giỏ xách, Tâm lấy điện thoại; riêng 25 triệu đồng thì Tâm và Phúc mỗi người 6,5 triệu đồng, Hiền và Tùng mỗi người 6 triệu.
TAND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã xét xử và tuyên án đối với Phúc, Hiền và Tùng về tội “Cướp giật tài sản”, riêng Tâm bỏ trốn lên TP HCM.
Trong thời gian bỏ trốn, Tâm phạm tội và bị TAND quận Thủ Đức (TP HCM) xử 3 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” vào năm 2012. Chấp hành xong hình phạt tù, Tâm lại phạm tội và bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Dương.
Sau khi xác định được tung tích Trần Hùng Tâm, ngày 29-4-2016, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, tuyên phạt Tâm 8 năm 6 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”. Trong thời gian luật định, Tâm kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt cho chính mình.
Xử phúc thẩm ngày 21-7-2016, TAND TP Cần Thơ chấp nhận kháng cáo của Tâm, sửa án sơ thẩm tăng lên thành 9 năm tù.
Sau khi án có hiệu lực pháp luật, VKSND TP Cần Thơ báo cáo đề nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ.
Theo VKSND Cấp cao tại TP HCM, trong vụ án này chỉ có Tâm kháng cáo xin tăng hình phạt, VKS không kháng nghị tăng hình phạt và bị hại không kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt; căn cứ vào khoản 3 Điều 249 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì tòa phúc thẩm chỉ được quyền sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt nếu VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu.
Việc tòa cấp phúc thẩm sửa án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Tâm trong trường hợp này là trái với quy định. Đây là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự trong xét xử gây bất lợi cho bị cáo vì vậy cần hủy án để xét xử lại.
Điều 249. Sửa bản án sơ thẩm
1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo;
b) Áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
c) Giảm hình phạt cho bị cáo;
d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
2. Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.
Bình luận (0)