"Nếu muốn xin giảm nhẹ hình phạt cho chị ấy (bị cáo - PV) thì tôi phải gặp ai vậy anh công an?". Em ruột nạn nhân ngập ngừng hỏi cảnh sát tư pháp trong lúc chờ TAND TP HCM tuyên án. Nghe câu hỏi đó, nhiều người quay lại nhìn mặt người phụ nữ chất phác này, chỉ thấy trong mắt chị một nỗi cảm thông, xót xa cho người phụ nữ ngồi ở bục khai báo - người mà ngoài cùng phận phụ nữ còn là chị dâu của chị. Dù mối quan hệ này kết thúc trong bi thảm, khi một kẻ ra tòa với lời cáo buộc tội "Giết người" và một người là đại diện cho gia đình nạn nhân. Trong lúc chờ HĐXX làm việc, khoảng cách giữa 2 người phụ nữ này không còn nữa: một đong đầy nước mắt, một chứa chan âu lo.
Tình nghĩa và lòng vị tha
Sau khi cảnh sát tư pháp hướng dẫn cặn kẽ, chị Phạm Thị Kiều Oanh (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tiếp tục gặp thư ký hỏi thêm về thủ tục xin giảm án và xin đóng án phí thay bị cáo.
Chuyện xảy ra khi bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1972; quê Cà Mau, tạm trú huyện Cần Giờ, TP HCM) và chồng hờ là Phạm Quốc Vũ cãi nhau. Như nhiều cặp vợ chồng khác, đôi bên xô xát, ẩu đả nhau. Tức giận vì chồng say xỉn hay đánh mình sau gần 6 năm chung sống, Hằng đè lên người rồi bóp cổ khiến ông Vũ bỏ mạng. Sự việc đột ngột xảy ra vào ngày 21-3-2016.
Suốt phiên tòa, chị Oanh khẳng định gia đình chị không có bất cứ yêu cầu nào đối với bị cáo, kể cả tiền bồi thường. Chị nói có kết cục đau lòng như thế, gia đình chị đau xót lắm. Chị và gia đình không chỉ thương người thân đã khuất mà còn xót xa trước cảnh tăm tối mà người chị dâu đang đối mặt. Chị Oanh giãi bày: "Sự việc xảy ra có phần lỗi của anh tôi. Anh ấy thường xuyên uống rượu rồi đánh, mắng vợ. Bây giờ, hoàn cảnh chị Hằng bi đát lắm rồi nên chúng tôi mong chị ấy sớm làm lại cuộc đời".
Nhắc đến người anh quá cố, chị không khóc. Thay vào đó, chị nhìn HĐXX với ánh mắt kiên định. Chị và gia đình tin tưởng không một ai muốn hậu quả như vậy xảy ra. Bị cáo Hằng cũng thế.
Bị cáo Nguyễn Thị Hằng rưng rưng nước mắt khi nhắc đến các con và gia đình
Cánh cửa mới
Phòng xử chỉ có bị cáo ngồi trước bục thẩm vấn và 2 người đại diện phía bị hại. Có lẽ, người phụ nữ này đã bớt phần nào tủi thân và lo lắng sau khi được em chồng động viên, an ủi. Làm sao bà có thể quên được chuyện chồng suốt ngày say rượu rồi về nhà đánh, chửi vợ nhưng bà vẫn cam chịu. Hôm đó, vì chồng lớn tiếng quá nên bà trói rồi ngồi lên người, lấy tay đè lên cổ để ông ngừng la hét. Bà không ngờ đến chuyện có thể xảy ra án mạng. Đại diện VKSND TP HCM thắc mắc: "Nếu không hợp, sao bị cáo và ông Vũ không chia tay?". "Bị cáo thấy tội ông ấy không ai chăm lo nên không nỡ chia tay" - bị cáo nói lí nhí. Đại diện VKS cho rằng bị cáo là trường hợp đặc biệt với nhiều cơ hội hưởng mức án khoan hồng khi là con của liệt sĩ, nhận sự bao dung từ phía bị hại. Hơn hết, bị cáo thành khẩn khai báo và thực sự hối cải sau khi gây án.
Giờ nghị án, bị cáo hỏi cảnh sát tư pháp để xin thuốc trị chứng mất ngủ. Người phụ nữ này phân trần vì nhớ 3 đứa con nên không đêm nào ngủ được. Thấy em chồng và mọi người xúm vào động viên, bị cáo cố kiềm chế nhưng nước mắt cứ tuôn thành dòng. Từ ngày bị bắt, không một ai trong gia đình bà vào thăm nuôi hay ít nhất gửi một lời thăm hỏi. Nói lời sau cùng, bị cáo Hằng mong gia đình bị hại và pháp luật tha thứ. Bị cáo hứa sẽ sống tốt và chuộc lại lỗi lầm trong những tháng ngày còn lại.
Ra khỏi cổng tòa, chị Oanh vẫn tiếc nuối vì chưa có điều kiện giúp chị dâu đóng án phí. Chị nói thời gian tới, gia đình sẽ làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Có lẽ thời gian chưa đủ dài để gia đình ông Vũ nguôi ngoai. Nhưng tình nghĩa và lòng bao dung chính là động lực giúp họ vượt qua nỗi đau. Họ chắc cũng không nghĩ đến chuyện chính sự thương cảm này sẽ đem đến cho người phụ nữ lầm lỡ những tia nắng ấm trong những tháng ngày đối diện với 4 bức tường lạnh lẽo. Rồi ngày về với những bước chân luống cuống và vội vã sẽ không còn xa…
Kết thúc phiên xử, bị cáo Nguyễn Thị Hằng nhận mức án 6 năm tù về tội "Giết người". Đây là mức án thấp hơn khung hình phạt VKS đề nghị (7 - 8 năm tù).
Bình luận (0)