Ngày 22-3, các bị cáo trong vụ án "cưa cây khô bị xử tội trộm cắp" đã nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Theo đó, từ năm 2016, ông Phan Tiến Dũng (cán bộ kiểm lâm, BQL rừng đặc dụng Đắk Uy) đã giúp sức cho các ông Lê Quốc Khánh (SN 1979), Nguyễn Văn Bảy (SN 1981), Nguyễn Văn Thụ (SN 1977) và Nguyễn Ngọc Bình (SN 1980, cùng trú huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa cây trắc đã khô. Bị phát hiện, cả nhóm giấu khúc cây đã cắt được vào bụi rậm, bỏ chạy về nhà rồi lần lượt đến công an khai báo hành vi của mình. Ngành chức năng giám định cây trắc đã chết trước khi bị cưa hạ. Khúc gỗ mà nhóm người trên cưa được có giá trị trên 19 triệu đồng.
TAND huyện Đắk Hà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các ông Khánh, Bảy, Thụ, Bình, Dũng từ 12-15 tháng tù về tội "trộm cắp tài sản". TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản án trên để điều tra lại.
Các bị cáo đã chấp hành xong bản ánh nhưng vẫn tiếp tục kêu oan vì cho rằng mình không phạm tội "Trộm cắp tài sản"
TAND huyện Đắk Hà lần 2 tuyên phạt các bị cáo trên từ 11 - 14 tháng tù về tội "Trộm cấp tài sản". TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần 2 tuyên các bị cáo không phạm tội "Trộm cắp tài sản"; hủy bản án hình sự sơ thẩm lần 2 của TAND huyện Đăk Hà và đình chỉ vụ án.
Đến ngày 26-7-2018, Chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với bản án hình sự phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Kon Tum; đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Kon Tum và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm lần 2 của TAND huyện Đắk Hà.
Quyết định giám đốc thẩm ngày 7-6-2019 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận một phần quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND Tối cao, hủy bản án hình sự phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Kon Tum để xét xử lại phúc thẩm.
Tại bản án hình sự phúc thẩm lần 3, TAND tỉnh Kon Tum không chấp nhận kháng cáo kêu oan, tuyên bố các bị cáo phạm tội "Trộm cắp tài sản". Theo đó, tuyên phạt ông Lê Quốc Khánh 12 tháng tù; ông Phan Tiến Dũng 10 tháng tù. Các ông Bảy, Bình, Thụ bị phạt từ 6-8 tháng tù cho hưởng án treo.
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Đến nay, các bị cáo đều chấp hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, họ liên tục có đơn gửi VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm lần 3 theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng không phạm tội "Trộm cắp tài sản".
Theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi cưa cây trắc khô thì Bộ Luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó, theo Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC thì hành vi của những người trên là "Khai thác trái phép cây rừng" và bị xử lý về tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng". Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội "Trộm cắp tài sản" của Bộ Luật Hình sự năm 1999 là không đúng pháp luật.
Như vậy, các bị cáo có hành vi khai thác trái phép cây rừng, có dấu hiệu vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, phải bị xử lý về các tội vi phạm trật tự quản lý, bảo vệ rừng, bình đẳng như những người khác, không thể xử lý về tội "Trộm cắp tài sản" là một tội phạm xâm phạm sở hữu.
Cũng theo kháng nghị này, việc quy thành tiền tang vật cây trắc khô và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội "Trộm cắp tài sản" là không đúng bản chất của sự việc, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo.
Do đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm lần 2 của TAND huyện Đắk Hà và bản án hình sự phúc thẩm lần 3 của TAND tỉnh Kon Tum theo thủ tục giám đốc thẩm. VKSND Cấp cao đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm trên để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)