"Quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại (PNTM) trong Bộ Luật Hình sự 2015 đánh dấu sự tiến bộ, tính đột phá trong chính sách, tư duy lập pháp hình sự. Điều này đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử theo chủ trương tập trung xử lý sai phạm lĩnh vực kinh tế, môi trường, tài trợ khủng bố, rửa tiền" - ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - TAND Tối cao, nhận xét tại hội thảo Trách nhiệm hình sự của PNTM do TAND Tối cao cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức mới đây.
Bận tâm về hệ quả phát sinh
Theo ông Chu Trung Dũng, việc pháp luật hình sự buộc PNTM chịu trách nhiệm tạo thêm căn cứ bảo vệ quyền lợi cá nhân, tổ chức gánh chịu thiệt hại từ sai phạm PNTM gây ra.
Dù vậy, quy trình xác định trách nhiệm cũng như xử lý sai phạm thực tế gặp không ít khó khăn. Thẩm phán Nagahashi Masanori, chuyên gia dài hạn thuộc dự án JICA, đúc kết như vậy sau thời gian "va chạm" với vấn đề trên ở nước ta. Thẩm phán Nagahashi Masanori phản ánh: "Nhà chức trách Việt Nam vướng cả lý thuyết lẫn thực hành vì những vấn đề liên quan đến PNTM phạm tội xuất hiện chưa nhiều".
Kho hàng bia “Sai Gon Viet Nam” Ảnh: MINH CHIẾN
Từ thực tiễn xét xử, thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội, băn khoăn về quá trình ban bố án phạt, hệ quả hay thi hành hình phạt đối với PNTM. Luật hiện hành nêu rõ 2 hình thức xử phạt, gồm: hình phạt chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động), hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, huy động vốn…). Ông Tiến cho rằng nhiều hình phạt ảnh hưởng đến hoạt động PNTM, như: cấm PNTM kinh doanh, huy động vốn, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn). Bởi vì, PNTM ký kết nhiều hợp đồng trong quá trình hoạt động. Trong đó, không ít hợp đồng vướng tranh chấp. Nếu PNTM bị đình chỉ có thời hạn thì giao dịch thương mại thuộc diện tạm đình chỉ. Tình huống đó có thể khiến pháp nhân khác (tham gia vào hợp đồng) gặp bất lợi. Chưa kể, việc xác định lỗi khi có thiệt hại xảy ra chưa có hướng dẫn. Cơ quan tiến hành tố tụng không rõ lỗi thuộc về PNTM hay là tình huống bất khả kháng.
Chưa có PNTM ra tòa?
Sau khi PNTM "xuất hiện" rõ ràng trong Bộ Luật Hình sự 2015, cơ quan tiến hành tố tụng có khởi tố một vài PNTM có hoạt động phạm pháp nhưng đến nay, những vụ này hiện vẫn trong giai đoạn điều tra, truy tố. Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nhìn nhận đến nay, tòa án chưa xét xử bất kỳ PNTM nào.
Bằng chứng là mới đây, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với PNTM là Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (viết tắt: Công ty Bia Sài Gòn; trụ sở tại quận 1, TP HCM). Hồ sơ thể hiện đầu năm 2020, bà Trần Thị Ái Loan (đại diện pháp nhân Công ty Bia Sài Gòn) và ông Vũ Tuấn Châu (chủ cơ sở sản xuất bia BiVa ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ký hợp đồng hợp tác sản xuất nhãn hiệu bia "Sai Gon Viet Nam". Hai bên thỏa thuận cơ sở BiVa sản xuất bia "Sai Gon Viet Nam" có nhãn hiệu, chất lượng do Công ty Bia Sài Gòn cung cấp. Sau đó, cơ sở BiVa sản xuất, bán cho Công ty Bia Sài Gòn hàng ngàn thùng bia nhãn hiệu "Sai Gon Viet Nam". Một thời gian sau, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra rồi kết luận sản phẩm bia "Sai Gon Viet Nam" có nhãn hiệu trùng, tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ thuộc Công ty CP Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cơ quan pháp luật khởi tố bị can đối với PNTM về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". Hiện vụ án vẫn chỉ đang trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Nêu quan điểm về xét xử PNTM, luật sư Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP HCM) góp ý cơ quan soạn thảo luật cần bổ sung điều, khoản đề cập trách nhiệm, quyền lợi các bên liên quan (cổ đông, người lao động; cá nhân, tổ chức giao dịch hợp pháp với pháp nhân phạm tội). "Chỉ khi pháp luật quy định chi tiết, cụ thể thì cơ quan công tố mới có thể truy tố, tòa án mới thuận đường xét xử. Nếu luật cứ trong tình trạng nửa chừng, bỏ ngỏ như vậy thì quá trình xét xử sẽ kéo dài với nhiều rắc rối, hệ lụy khó khắc phục" - luật sư cảnh báo.
Bình luận (0)