Trong cuộc gặp báo chí chiều 6-3, bà Chu Thị Bình, người bị mất 245 tỉ đồng tiết kiệm (TK) gửi tại Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank, cho rằng nếu khởi kiện thì thật vô lý bởi pháp luật quy định chủ sổ TK yêu cầu rút tiền thì mặc nhiên NH phải chi trả. Tuy nhiên, nếu Eximbank không đồng ý trả theo yêu cầu của bà Bình, phương án khởi kiện là giải pháp cần thiết. Trong quá trình tòa tiến hành giải quyết vụ kiện, các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải, đàm phán tại tòa.
Chủ nợ có quyền đòi nợ
Về bản chất, hoạt động gửi - nhận tiền gửi TK ở các tổ chức tín dụng (TCTD) là giao dịch vay tài sản: Bên đi vay là TCTD, bên cho vay là khách gửi tiền TK. Hoạt động nhận tiền gửi TK của khách hàng thực chất là hoạt động huy động vốn của TCTD để cho vay lại (cấp tín dụng cho bên thứ ba). Khi khách hàng gửi tiền TK, ngoài việc được nhận lại số tiền gốc thì còn nhận tiền lãi theo thỏa thuận về lãi suất với TCTD. Do vậy, việc khách hàng gửi TK ở các TCTD là giao dịch vay tài sản, thỏa mãn quy định của điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS 2015 - trước đây là điều 471 BLDS 2005). Theo điều 464 BLDS 2015 quy định về quyền sở hữu đối với tài sản vay: "Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản".
Bà Chu Thị Bình Ảnh: ThIẾU THU
Như vậy, khi khách hàng gửi tiền TK vào TCTD và phía TCTD phát hành sổ TK cho khách ghi số tiền gửi, thời hạn gửi, lãi suất… thì người gửi trở thành "chủ nợ" và TCTD là "con nợ". Nói cách khác, việc TCTD đồng ý mở thẻ (sổ) TK cho khách hàng, hợp đồng vay tài sản đã hình thành, quyền và nghĩa vụ pháp lý của 2 bên đã phát sinh theo quy định của BLDS và Luật Các TCTD. Trách nhiệm của bên đi vay là phải tuân thủ nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo điều 466 BLDS "bên vay tiền phải trả đủ tiền khi đến hạn" và khoản 2 điều 10 Luật Các TCTD năm 2010: "Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi".
Số tiền bà Bình gửi TK đã được xác lập quyền sở hữu cho Eximbank kể từ thời điểm NH này nhận tiền (điều 161 và 463 BLDS 2015), còn bà Bình trở thành chủ nợ và có quyền đòi nợ kể từ thời điểm nhận được thẻ (sổ) TK do Eximbank phát hành.
Eximbank cho rút tiền sai quy trình
Để xác định các khoản tiền của bà Chu Thị Bình bị mất là do lỗi của ai thì cần phải đối chiếu với quy định pháp luật có liên quan, bao gồm: BLDS; Luật Các TCTD, Quy chế về tiền gửi TK của NH Nhà nước (NHNN) và Quy định rút tiền do Eximbank ban hành.
Khoản 1 điều 15 Quy chế về tiền gửi TK của NHNN, khi rút tiền phải xuất trình thẻ TK, giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký mẫu tại NH và phải có giấy tờ chứng minh nhân thân còn hiệu lực. Trường hợp rút tiền gửi TK theo giấy ủy quyền phải tuân thủ các điều kiện, ngoài việc xuất trình bản chính thẻ (sổ) TK, người rút tiền còn phải xuất trình giấy ủy quyền và các giấy tờ về nhân thân. NH có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy ủy quyền; NH căn cứ vào nội dung ủy quyền để thực hiện việc chi trả tiền gửi TK.
Theo quy định về việc rút tiền gửi TK của Eximbank được đăng công khai trên website của NH này thì: Xuất trình thẻ TK; người gửi tiền là cá nhân Việt Nam xuất trình căn cước công dân (CCCD) hoặc chứng minh nhân dân (CMND) hoặc hộ chiếu (HC) còn thời hạn hiệu lực. Trường hợp ủy quyền thì phải ký tại Eximbank hoặc phải có công chứng.
Như vậy, theo các quy định trên, khi rút tiền, người gửi TK phải xuất trình bản chính thẻ (sổ) TK và các giấy tờ tùy thân. Trường hợp nếu rút tiền theo ủy quyền thì ủy quyền phải hợp pháp. Theo bà Bình, các sổ TK bà vẫn đang giữ bản chính. Đồng thời bà cũng cung cấp thông tin về kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thể hiện: Các giấy ủy quyền đều không hợp pháp hoặc bị giả mạo, người được ủy quyền cũng không biết và chưa từng giao dịch với bà Bình; nhân viên Eximbank cũng chưa từng kiểm tra các giấy tờ cá nhân của người được ủy quyền, người ủy quyền theo quy định; các nội dung trên giấy ủy quyền không phải do bà Bình ghi.
Đối chiếu với chính quy định của Eximbank thì thấy nhân viên NH này không tuân thủ quy trình do họ ban hành khi cho người khác rút tiền từ sổ tiết kiệm của bà Bình.
Thực hiện quyền khởi kiện
Trong diễn biến của vụ việc này, giữa bà Chu Thị Bình và Eximbank không tìm được tiếng nói chung để giải quyết vụ việc. Hiện nay, có 3 quan hệ phát sinh trong vụ việc này:
Thứ nhất: Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an đã khởi tố và đang tiến hành điều tra vụ án liên quan đến ông Lê Nguyễn Hưng. Đây là vụ án hình sự nên phải thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự. Văn bản của C44 do bà Bình cung cấp đã xác định bị hại trong vụ này là Eximbank.
Thứ hai: Vụ kiện giữa Eximbank và ông Hưng tranh chấp liên quan đến khoản tiền bị thất thoát. Quan điểm của Eximbank là chờ phán quyết của TAND cấp có thẩm quyền về vụ kiện giữa Eximbank và ông Hưng. Khi nào tòa phán quyết Eximbank có nghĩa vụ trả nợ cho bà Bình thì họ sẽ thực hiện theo phán quyết đó.
Theo tôi, quan điểm của Eximbank là không thỏa đáng và đây là một cái "bẫy kỹ thuật" để kéo dài thời gian mà Eximbank giăng ra nhằm đưa bà Bình vào một cuộc tranh chấp 3 bên, trong đó có ông Hưng nhưng ông này đã bỏ trốn. Do ông Hưng đã trốn nên việc tiến hành thủ tục tố tụng trong vụ án này sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, vì vậy vụ việc không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Thứ ba: Bà Bình với đầy đủ tài liệu, chứng cứ có thể khởi kiện độc lập thành một vụ kiện giữa bà và Eximbank, không liên quan gì đến ông Hưng. Nếu Eximbank cho rằng có liên quan đến ông Hưng thì phải có nghĩa vụ chứng minh. Nếu Eximbank không chứng minh được quan điểm của mình có căn cứ thì tòa sẽ chấp nhận yêu cầu của bà Bình, buộc Eximbank phải thanh toán tiền gốc và lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ cho bà Bình theo quy định pháp luật.
Bà Chu Thị Bình nên khởi kiện dù bà cho rằng làm vậy là vô lý nhưng không có cách nào tốt hơn, trừ khi Eximbank tự nguyện thanh toán cho bà số tiền đã bị chiếm đoạt.
Bình luận (0)