Nhìn con, đôi vai chị V. (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) bất giác run lên bần bật. Nỗi đau dồn nén dường như vượt quá sức chịu đựng, bật to thành tiếng khóc nghẹn ngào. Ôm con, chị ai oán: "Kẻ thú tính đó có biết con tôi đau đớn nhường nào không?".
Sự im lặng đáng sợ
Mấy hôm rồi, cô giáo gọi về nhà, lo lắng cho tình trạng của bé. Kể từ sau nghi án bị xâm hại bởi người đàn ông gần 60 tuổi cạnh nhà, tâm lý của cô bé lớp 1 ấy ngày càng không ổn. Đến trường, con lầm lì, ít nói, không chơi với ai ngoài anh Hai của mình. Giờ ra chơi, con ngồi một góc sân trường. Cô giáo cất giùm cả tập vở, vì đưa về nhà, con xé tan hoang. Nhìn con, vợ chồng chị V. đau xé tâm can nhưng đành bất lực.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi đến nay gia đình vẫn chưa nhận được kết quả thỏa đáng về nghi án con bị xâm hại tình dục từ khi mới 5 tuổi. Trong khi kết quả giám định pháp y trước đó chỉ rõ con bị tổn thương vùng kín, rách màng trinh, còn có cả tế bào nam trong cơ quan sinh dục. Kẻ bị tố cáo cũng đã cúi đầu thừa nhận. Bên cạnh chứng cứ và lời tố giác của người chứng kiến, còn có hình ảnh, ghi âm, người làm chứng… để chứng minh. Thế nhưng, những điều đó vẫn bị các cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ cơ sở để khởi tố.
Sự im lặng của công lý như đòn trí mạng giáng xuống gia đình chị V. Hai năm ròng theo đuổi vụ việc là từng ấy thời gian vợ chồng chị giàn giụa nước mắt vì thương con. Mỗi đêm con giật mình, vật vã, người lạnh toát mồ hôi, trái tim anh chị như bị ai bóp nghẹt. "Như thế nào mới đủ cơ sở để khởi tố? Ai mới có thể lấy lại được công bằng cho con bé?" - vợ chồng chị nhìn chúng tôi nghẹn ngào.
Một nghi án xâm hại khác diễn ra tại một phòng trọ trên địa bàn quận Tân Bình, TP HCM hơn nửa tháng trước cũng đang có dấu hiệu "chìm xuồng". Chị T., người mẹ đơn thân của đứa con nhỏ 5 tuổi đang khóc hết nước mắt, mòn mỏi chờ đợi kết quả giám định pháp y. "Công lý sao mà xa xôi quá!" - chị T. chua chát.
Quyết không thỏa hiệp
Trên chặng đường chông gai đi tìm công lý, dù đau khổ, có lúc kiệt sức vì thất vọng nhưng những người như vợ chồng chị V., chị T. chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng chân. Họ quyết không thỏa hiệp với những kẻ chà đạp lên tuổi thơ của con trẻ, xem thường pháp luật và thách thức xã hội. Bởi công lý họ tìm kiếm không chỉ cho con mình mà còn vì tương lai của những đứa trẻ khác. "Tôi không muốn có thêm đứa trẻ nào phải đau đớn như con tôi, tôi không muốn có thêm người mẹ nào phải khóc cạn nước mắt như tôi" - giọng chị T. nghèn nghẹn nhưng đầy cương quyết.
Cuộc sống của một đứa trẻ thiếu cha vốn đã không dễ dàng, nay lại còn không được bình yên bởi mối hiểm họa từ những kẻ bệnh hoạn. Trong căn phòng trọ nhỏ, nơi tá túc của mẹ con chị T., thời gian gần đây không khí trở nên ngột ngạt đến lạ. Đứa trẻ tạm nghỉ học vì chị lo sợ ai đó biết chuyện sẽ trêu chọc khiến con mặc cảm. Ở nhà trông con, chị cũng không còn tâm trí nào cho cuộc mưu sinh. Con vẫn vô tư, không biết được ruột gan mẹ tan nát đến nhường nào. Hơn nửa tháng qua, đêm nào chị cũng chập chờn khó chợp mắt. Chị đau đáu nỗi lo về tương lai của con gái rồi giật mình nhận ra nỗi hoảng loạn xuất hiện đâu đó trong giấc mơ của con.
Chị kể dường như nỗi ám ảnh đang giày xéo trong con từng ngày. Nhiều khi đang ngồi chơi vui vẻ, con lại chui vào một góc rấm rứt khóc. Trong vô thức, con nhắc chuyện: "Sao người lạ vào nhà mình không xin phép? Mẹ ơi, ổng làm con đau!". Chị T. thuật lại trong nghẹn ngào. Liệu sau này con có thể lớn lên khỏe mạnh, tâm lý bình thường, đi học, đi làm, lập gia đình và sống trọn vẹn với thiên chức làm mẹ như bao người khác? Trái tim người mẹ vỡ vụn. Còn ngoài kia, nhân tâm kẻ ác bao giờ mới thức tỉnh?
Nỗi đau câm nín
Ở TP HCM, có một mái ấm với khoảng 30 đứa trẻ có tuổi thơ không bình thường do bị xâm hại tình dục bởi chính những người thân quen. Tuổi thơ của các em bị giày xéo trong những cơn đau nghiệt ngã vì thương tổn về cả tinh thần lẫn thể xác. Những đôi mắt ngây thơ luôn tỏ ra nghi ngại khi có khách ghé thăm. Có những cô gái đã ngoài 20 tuổi nhưng cũng có những em nhỏ vẫn chưa vào lớp 1. Các em tự bảo ban và chăm sóc nhau dưới sự quan tâm của những người cưu mang, nuôi dưỡng. Không tò mò về quá khứ của nhau bởi trong thâm tâm, các em chỉ muốn quên đi và khao khát một cuộc sống bình thường, yên ổn.
Bình luận (0)