Ngày 31-5, tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương TP HCM, Phó Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đã có buổi tiếp xúc với 3 người đang là bị cáo (được tại ngoại) trong vụ án về sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long (Aquafeed) và Ngân hàng Agribank chi nhánh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh).
Tính đến nay, "kỳ án" này đã kéo dài một thập kỷ, qua 2 cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nhiều lần tòa trả hồ sơ và nhiều lần hoãn xét xử.
3 bị cáo kêu oan đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương TP HCM gồm: Nguyễn Hữu Lộc (cựu Chủ tịch HĐQT Aquafeed), Nguyễn Hồng Nam (cựu Tổng Giám đốc Aquafeed) và Bùi Thị Tuyết Mai (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Thuỷ sản).
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương TP HCM
Trước đó, tại bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST ngày 9-2-2018 của TAND tỉnh Trà Vinh, toà án nhận định nhóm 5 bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ Aquafeed, Công ty Cổ phần Công nghiệp Thủy sản phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", từ đó tuyên mức án từ 7-14 năm tù. Nhóm 3 cán bộ Agribank Trà Vinh cùng bị tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Đến ngày 11-12-2018, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm (do 8 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm, 7 bị cáo kêu oan), tuyên chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo. Theo đó, cấp phúc thẩm xác định Aquafeed - bên vay, không lừa đảo và Agribank Trà Vinh không bị thiệt hại. Từ đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Hiện vụ án đang được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm lần 2, bắt đầu từ ngày 26-5, dự kiến tuyên án vào ngày 6-6.
Các bị cáo cho rằng quy trình lập hồ sơ điều tra có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp (có dấu hiệu ép cung, mớm cung); diễn biến phiên tòa không chứng minh được hành vi lừa đảo nhưng kiểm sát viên vẫn buộc tội và không tranh tụng đến cùng với các luật sư bào chữa; tất cả hợp đồng mua bán giữa Aquafeed và Công ty Cổ phần Công nghiệp Thủy sản đã được pháp luật công nhận về thuế... nhưng cơ quan tố tụng không công nhận; điều tra viên tự ý ghi hợp đồng "khống" và ép bà Bùi Thị Tuyết Mai ký; cơ quan tố tụng không công nhận tài sản thế chấp là quyền đòi nợ 91,2 tỉ đồng - tiền mua hàng hoá của người dân để đảm bảo cho khoản vay 100 tỉ đồng của Aquafeed tại Agribank Trà Vinh (dẫn đến khoản thế chấp đảm bảo không đủ so với khoản vay)...
Trên cơ sở tiếp nhận ý kiến, hồ sơ được cam kết đúng sự thật từ phía người dân, Phó Trưởng Ban Dân nguyện- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá vụ án có dấu hiệu oan sai.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông đã nhận hồ sơ vụ án này từ 3 năm trước. "Chưa có vụ án nào khi tôi với tư cách là đại biểu Quốc hội khoá XIV lại có nhiều văn bản gửi đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị xem xét thấu đáo để tránh oan sai như vụ án này" – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cơ quan giữ quyền công tố hiện nay tiếp tục không đưa ra được chứng cứ chứng minh các bị cáo chiếm đoạt "dù là một cắc, một xu" nhưng vẫn buộc tội họ, điều này mâu thuẫn với chính ý kiến của cơ quan này tại phiên xét xử phúc thẩm lần 1 (VKS đề nghị bác án sơ thẩm).
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng chỉ ra một số vấn đề "bất hợp lý" từ phía cơ quan tố tụng như vì sao tước bỏ thoả thuận dân sự là khoản thế chấp quyền đòi nợ 92,1 tỉ đồng của Aquafeed cho Agribank Trà Vinh; lý do mất hơn 300 tài liệu bút lục trong hồ sơ vụ án trước khi TAND Tối cao xem xét và ban hành quyết định giám đốc thẩm vụ án này nhưng VKS giữ quyền công tố vẫn cho rằng không ảnh hưởng bản chất vụ án...
Bên cạnh đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng có những phân tích về quan điểm "có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự" trong vụ án này.
"Vụ án có những dấu hiệu tương đối điển hình về việc hình sự hoá các quan hệ dân sự trong xã hội. Nếu tiếp tục như thế này thì dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ riêng trường hợp này.
Nhà nước ta đang có những chính sách rộng mở hơn để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp dễ dàng hơn. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giúp ngân hàng giải quyết các nợ xấu. Chúng ta xác định đây là mối quan hệ kinh tế - dân sự thì phải được xử lý theo cách này.
Nếu các cơ quan tố tụng không thấm nhuần điều đó, tiếp tục xử lý theo cách của mình, gắn cho bên này chiếm đoạt, bên kia bị chiếm đoạt trong khi mối quan hệ dân sự của họ chưa xử lý xong, họ còn toàn quyền theo quy định của pháp luật thì như vậy không chỉ có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ dân sự còn có dấu hiệu lạm dụng quyền lực, xâm hại đến các mối quan hệ kinh tế - xã hội" – ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Liên quan vụ án, luật sư Hà Văn Thượng (nguyên thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM) cho rằng trong khi các công ty trong vụ án đều là công ty cổ phần nhưng cơ quan tố tụng nhận định các công ty trong vụ án là tư nhân để hoá giải việc mặc dù khẳng định các cá nhân không chiếm đoạt nhưng công ty tư nhân cũng là đối tượng chiếm đoạt.
Aquafeed ký hợp đồng bán hàng cho Công ty cổ phần Dũng Liêm, tổng số tiền thu được là 75 tỉ đồng, Aquafeed trả cho Agribank Trà Vinh 67 tỉ đồng (bút lục 11877-11886), sau đó chỉ vay lại Agribank Trà Vinh số tiền 54 tỷ đồng (vào thời điểm khởi tố vụ án, chỉ 3/45 khế ước đến hạn trả nợ).
Điều này càng khẳng định không những không có cá nhân nào chiếm đoạt, cũng không có công ty nào hưởng lợi số tiền Aquafeed vay. Ngân hàng cũng không thiệt hại từ các hợp đồng kinh tế và từ tài sản thế chấp đủ đảm bảo nợ vay.
Như vậy, cơ quan tố tụng không chứng minh được các bị cáo chiếm đoạt tài sản mà vẫn buộc tội các bị cáo là không có căn cứ.
Bình luận (0)