Sáng 11-1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVC tiếp tục làm việc.
Ông Đinh La Thăng trả lời tại tòa - Ảnh: TTXVN
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi ông Đinh La Thăng với tính khí, tư cách là người chủ trì cuộc họp ngày 31-3-2011, xin ông cho biết những nội dung được đặt ra để giải quyết trong cuộc họp này và cụ thể ông kết luận cuộc họp đó như thế nào?
Ông Thăng đáp: Cuộc họp ngày 31-3 có rất nhiều nội dung và căn cứ vào đề nghị của các đơn vị thì có kết luận giải quyết đề xuất báo cáo của các đơn vị. Trong báo cáo kết luận của tất cả các cuộc họp đều gửi cho các đơn vị, cá nhân liên quan đọc và biết, trước khi ban hành thông báo kết luận. Đến cuộc họp ngày 31-3 và tất cả các cuộc họp khác đều không có báo cáo về hợp đồng số 33 là không có giá trị pháp lý.
Về vấn đề này ông Thăng khẳng định: "Tất cả các chỉ đạo của Tập đoàn bao gồm HĐTV, Ban giám đốc… nếu không đúng thì người thực hiện có quyền không thực hiện. Nếu người thực hiện có báo cáo mà người ra lệnh vẫn yêu cầu thực hiện thì người thực hiện có quyền bảo lưu bằng văn bản".
Luật sư Thiệp tiếp tục hỏi: "Nội dung thứ 2 tôi muốn hỏi trách nhiệm thực hiện hợp đồng này là của ai, của người tham gia ký kết hợp đồng hay người quản lý?".
Ông Thăng đáp: Theo quy định của pháp luật, chủ thể hợp đồng là người chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý, giám định của hợp đồng. Đối với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì HĐTV PVN đã giao cho HĐTV PVPower quyết định cái việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đàm phán và ký kết hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực khi HĐTV PVPower phê duyệt chứ không phải của HĐTV của Tập đoàn vì lúc đó PVPower là chủ đầu tư.
"Theo quy định này thì HĐTV của PVN, Ban Giám đốc của PVN có quyền can thiệp vào quá trình thương thảo của PVPower hay không?"-Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi.
Ông Đinh La Thăng trả lời: "PVPower là đơn vị hạch toán độc lập và theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tất cả các quyết định, chữ ký của mình. HĐTV, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc không có quyền can thiệp vào PVPower".
Luật sư: "Như vậy giai đoạn ký hợp đồng 33 là trách nhiệm triển khai thực hiện quá trình để ký kết và đảm bảo các điều kiện ký kết hợp đồng 33 là thuộc trách nhiệm của PVPower. Sau này, khi bắt đầu chuyển chủ đầu tư về PVN thì trách nhiệm đó của PVN. Thực tế cho thấy PVN khi thực hiện trách nhiệm của chính mình đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật?".
Ông Thăng đáp: "Đúng như vậy. Sau này, khi chuyển đầu tư về PVN thì trách nhiệm đó trở về PVN. Sau đó, HĐTV đã yêu cầu rà soát lại để ký lại hợp đồng mới bởi vì lúc đó chủ thể chuyển từ PVP về PVC là 2 công ty con của PVN ký hợp đồng với nhau. Khi chuyển về công ty mẹ ký mới với PVC nên phải ký theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư tiếp tục hỏi: "Thực trạng này đã chứng minh một điều mà ông đã nói trước đây, là PVN không thể chịu trách nhiệm hoặc không phải tiếp nhận những việc làm của tổ chức khác, của doanh nghiệp khác?". "Đúng vậy, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư"- ông Đinh La Thăng đáp.
Cũng trong sáng nay 11-1, khi trả lời câu hỏi của luật sư về tiến độ chung của dự án, đại diện PVN cho rằng: "Tổng thể hiện nay dự án vẫn đang triển khai, đã đạt được trên 81% và các tiến độ thực hiện tại hợp đồng EPC cũng đang tiến hành và được Thủ tướng chấp thuận về thời gian".
Luật sư tiếp tục hỏi giám định viên Bộ Tài chính về bản kết luận giám định thiệt hại bởi theo luật sư, nếu căn cứ vào phần trả lời của giám định viên ngày hôm qua 10-1, tiền để trong tài khoản của PVC mà không sử dụng sai mục đích thì không phát sinh thiệt hại.
Được gọi lên chất vấn, giám định viên tài chính khẳng định cơ quan điều tra chỉ yêu cầu giám định đối với số tiền bị sử dụng sai mục đích, chứ không yêu cầu giám định đối với tiền không sử dụng sai mục đích. Giám định viên cho rằng xét vấn đề phải xâu chuỗi trong một tổng thể vụ việc. Việc tiền tạm ứng xuống PVC mà không sử dụng sai thì không dẫn đến hậu quả, không thể cắt bớt.
Cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng
Ngày 2-7-2010, PVN phê duyệt dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỉ đồng, tương đương gần 1,7 tỉ USD.
Ngày 28-2-2011, ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc PVC, ký Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (Hợp đồng tổng thầu EPC số 33) về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng...
Ngày 13-5-2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33. Theo đó chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower sang PVN.
Theo cơ quan điều tra, đến ngày 11-10-2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ ngày 28-4-2011 đến ngày 12-7-2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 6,6 triệu USD.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22-11-2017, Nhà nước mới thu hồi được gần 1.100 tỉ đồng, thiệt hại hơn 119 tỉ đồng.
Bình luận (0)