Vụ án giết người kéo dài đã 4 năm gây xôn xao dư luận nhưng từ sau khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM (ngày 3-3-2010) tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về VKSND tỉnh Vĩnh Long điều tra lại, đến nay đã hơn một năm, vụ án vẫn chưa điều tra xong.
Dìm xác mẹ xuống sông
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long, bà Dương Thị Tám (SN 1931) - mẹ của bị cáo Huỳnh Văn Quyên - thường la rầy con cháu khi làm việc phật ý nên cuộc sống giữa vợ chồng Quyên và bà Tám thỉnh thoảng bất hòa. Mối bất hòa càng sâu sắc hơn khi bà Tám có ý định bán đất chia đều cho các con gái.
Bị can Huỳnh Văn Quyên (ngồi bên trái) đang được điều trị tại Khoa Thận – Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh chụp chiều 11-5). Ảnh: PHẠM DŨNG
Chiều 6-2-2007, bà Tám rầy la vợ chồng Quyên về việc làm thức ăn đãi khách trong bữa giỗ hôm trước không ngon, Quyên cự cãi lại mẹ. Đến 2 giờ ngày 7-2-2007, bà Tám thức giấc, vợ chồng Quyên cũng dậy chuẩn bị đi bán bún. Bà Tám tiếp tục rầy la, không chịu đựng được, Quyên dùng hai tay bóp cổ bà Tám đè xuống giường.
Lúc này Lê Thị Tám (SN 1967, vợ của Quyên) chạy đến đè chân bà Tám cho đến khi nạn nhân nằm bất động. Vợ chồng Quyên bàn nhau khiêng xác dìm xuống đáy sông.
Cả hai chặt 4 khúc chuối làm con lăn kéo xuồng ra, sau đó vợ chồng Quyên mang xác nạn nhân bỏ xuống xuồng. Trong lúc hai vợ chồng thực hiện việc khiêng xác thì Trần Thị Ngọc Yến - ngụ cùng xóm - đi hái trộm bưởi ở nhà Quyên nhìn thấy.
Sau khi bỏ xác xuống xuồng, vợ chồng Quyên nhặt một số gạch và bê tông bỏ vào vỏ bao đựng thức ăn gia súc rồi cột ngang bụng nạn nhân bơi xuồng thả xuống sông. Riêng Yến sau khi trộm bưởi xong về nhà lấy đồ đi làm thuê nhưng do đêm khuya, đò chưa đến, Yến quay trở về nhà và nhìn thấy vợ chồng Quyên trên đường bơi xuồng về.
Ngày 9-2-2007, xác bà Tám nổi lên. Ngày 5-3-2007, Quyên bị bắt. Ngày 14-3-2007, Lê Thị Tám cũng bị bắt.
Vi phạm tố tụng, chứng cứ không thuyết phục
Ở cả hai phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, các bị cáo đều kêu oan. Đặc biệt, sau phiên xử sơ thẩm, 4 người con là đại diện hợp pháp người bị hại cũng kháng cáo cho rằng các bị cáo bị xử oan.
Suốt một ngày thẩm vấn và tranh luận tại tòa cũng như xem xét chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm ngày 3-3-2010 đã tuyên hủy toàn bộ bản án. Theo đó, về tố tụng, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng khi lấy lời khai của các bị cáo, CQĐT đã không mời luật sư tham gia ngay từ giai đoạn ban đầu.
Thời gian sau mới có luật sư tham gia nhưng không có mặt trong tất cả các buổi lấy lời khai các bị cáo. Bị cáo Quyên từ đầu không nhận tội, khi CQĐT cho bị cáo coi băng hình mà bị cáo Tám khai nhận hành vi giết nạn nhân thì Quyên nhận tội theo bản ghi hình này, trong khi đó bị cáo Tám cho rằng bị ép cung khai theo hướng dẫn của cán bộ điều tra. Việc thu giữ vật chứng không có sự chứng kiến của các bị cáo, không ghi rõ vị trí thu giữ vật chứng, do ai giao nộp…
Về đánh giá chứng cứ, lời khai của nhân chứng Yến có nhiều mâu thuẫn. Ban đầu khai chỉ thấy Quyên khiêng vật dài nặng xuống xuồng, sau đó khai bị cáo Quyên và Tám cùng khiêng. Thêm vào đó, Yến khai 1 giờ sáng thấy các bị cáo khiêng nạn nhân ra xuồng thì thời gian giết nạn nhân phải được thực hiện trước đó, chứ không thể là 2 giờ sáng.
Theo biên bản kiểm tra lời khai nhân chứng, vị trí Yến đứng nép vào cây bạch đàn cặp mé sông thì không nhìn thấy các bị cáo. Yến khai đi hái trộm bưởi vào nửa đêm ngày 7-2-2007 nhằm chữa bệnh nhưng lại cất bưởi ở nhà, ra bến đò để đi Bình Dương kiếm việc làm vào giờ mà bến đò không có đò, sau đó lại không đi Bình Dương cho đến ngày xác bà Tám nổi lên thì lại vứt bưởi đi. 20 ngày sau khi phát hiện xác bà Tám thì Yến mới có lời khai với CQĐT…
Về việc mô tả hành vi giết nạn nhân, các bị cáo khai bất nhất về thời gian, địa điểm, hành vi. Việc thực nghiệm điều tra để xem xét khả năng bà Tám tự vẫn có hai kết quả thực nghiệm khác nhau nhưng CQĐT kết luận nạn nhân không có khả năng và điều kiện thực hiện tự vẫn là không chính xác…
Về động cơ phạm tội, việc la rầy, cự cãi dẫn đến bị cáo bóp cổ nạn nhân nhưng vì sao các con của các bị cáo ở trong nhà cũng như hàng xóm xung quanh đều không nghe? Cho rằng vợ chồng Quyên đối xử với bà Tám không tốt thì vì sao bà vẫn ở với Quyên dù có nhiều người con cũng ở gần đó? Tất cả các anh chị của Quyên đều xác nhận trong gia đình không có mâu thuẫn về việc chia đất đai và vợ chồng Quyên đối xử rất có hiếu với mẹ. Khả năng ngoài các bị cáo còn ai là người thực hiện hành vi giết bà Tám khi bà đi ra ngoài vào ban đêm chưa được điều tra làm rõ.
Cuối cùng, kết quả khám nghiệm tử thi không phát hiện dấu vết tổn thương. Bản khám nghiệm pháp y kết luận nguyên nhân tử vong do ngạt nước, suy hô hấp, trụy tim mạch, không phải do ngoại lực.
Phóng viên Báo Người Lao Động bị thu giữ điện thoại di động khi tác nghiệp
Khoảng 14 giờ ngày 11-5, phóng viên Phạm Dũng được Tòa soạn Báo Người Lao Động điều động đến Khoa Thận-Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận về các vấn đề liên quan đến bị can Huỳnh Văn Quyên đang được điều trị tại đây. Trong khi đang tác nghiệp, phóng viên bị Công an Vĩnh Long tịch thu phương tiện tác nghiệp (điện thoại Nokia E72). Quá trình lập biên bản còn có sự chứng kiến của Công an phường 12, quận 5-TPHCM và một người xưng là điều tra viên Công an TPHCM. Phóng viên yêu cầu được kiểm tra tình trạng máy trước khi thu giữ nhưng bị từ chối. Biên bản tạm giữ chỉ được lập một bản và không có bản kèm theo cho người bị giữ phương tiện. Sau đó, theo yêu cầu của công an, bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy đuổi phóng viên ra khỏi bệnh viện.
Thuận Thiên |
Bình luận (0)