Ngày 27-11, TAND TP HCM đã tuyên án vụ tham nhũng tại Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon). Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (SN 1955, nguyên kế toán trưởng, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính) bị tuyên phạt 30 năm tù về 2 tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Bi (SN 1949, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc) 22 năm tù về các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không có bị hại?
Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền cho rằng vụ án xuất phát từ đơn tố cáo Huyền lợi dụng giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp (DN) nhà nước sang cổ phần hóa để “treo” hơn 43 tỉ đồng (tiền chuyển nhượng vốn trong liên doanh trước khi Công ty Vifon cổ phần hóa). Sau đó, Huyền vạch kế hoạch, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện một loạt hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền trên. Tuy nhiên, theo luật sư, đây là số vốn DN bỏ ra để đầu tư trên đất thuê của nhà nước và trở thành vốn thu hồi sau khi chấm dứt liên doanh. Thực tế, số tiền này vẫn còn trong Công ty Vifon và đã được lãnh đạo công ty nộp vào tài khoản tạm giữ của CQĐT.
Thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi
Theo HĐXX, 43 tỉ đồng nằm trong 127 tỉ đồng là nguồn tiền thu hồi vốn liên doanh nên đây là tài sản của nhà nước. Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) cũng đã có quyết định về việc Công ty Vifon không được kế thừa nguồn tiền thu hồi vốn liên doanh khi cổ phần hóa. Do đó, bị cáo Huyền “treo” số tiền này vào tài khoản là không đúng hạch toán, kế toán nên việc thu hồi 43 tỉ đồng là hoàn toàn chính xác.
Ngoài ra, căn cứ vào Luật DN nhà nước, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý ngành, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong Công ty Vifon nên có quyền định đoạt đối với tài sản của công ty trước đây. Bộ Công Thương cũng thống nhất quan điểm buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt để sung vào công quỹ. Từ đó, xác định Bộ Công Thương chính là nguyên đơn dân sự.
Trong vụ án này, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn với thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, cần nghiêm trị. Bị cáo Huyền nhiều lần chỉ đạo, tổ chức cấp dưới lập phiếu giả thu, giả chi, tráo đổi tài khoản đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt hơn 11,2 tỉ đồng. Đồng thời, bị cáo Huyền còn giúp sức cho bị cáo Bi chiếm đoạt hơn 2,2 tỉ đồng.
Mặc dù các bị cáo phạm tội nhiều lần với cùng một hành vi nhưng thuộc hai giai đoạn khác nhau. Do đó, hành vi phạm tội tại thời điểm Công ty Vifon có 100% và 51% vốn nhà nước đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Số tiền chiếm đoạt trong giai đoạn Công ty Vifon là DN cổ phần đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Từ nhận định này, HĐXX đã tuyên phạt 2 bị cáo mức án như trên. Ngoài ra, bị cáo Huyền bị buộc bồi thường cho Bộ Công Thương hơn 9,8 tỉ đồng, bồi thường cho Công ty Vifon hơn 1,3 tỉ đồng. Bị cáo Bi bồi thường cho Công ty Vifon hơn 2,2 tỉ đồng.
Kiến nghị xử lý hình sự ông Nguyễn Văn Bên HĐXX nhận định ông Nguyễn Văn Bên (nguyên phó tổng giám đốc, sau này là tổng giám đốc) đã có hành vi ký các chứng từ chi tiền mua cổ phần cho bị cáo Bi, giả thu tiền huy động vốn, được chia thưởng trái nguyên tắc 50.000 USD… Dù ông Bên làm đơn tố giác, tích cực cung cấp tài liệu cho CQĐT nhưng đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không phải để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, HĐXX sẽ kiến nghị VKSND Tối cao xem xét xử lý sau. |
Bình luận (0)