Từ đầu năm 2021 đến nay, TAND 2 cấp thuộc TP HCM giải quyết 347/1.360 vụ án hành chính, chỉ đạt tỉ lệ 25,5%. So với cùng kỳ năm 2020, án hành chính do cơ quan xét xử 2 cấp thành phố thụ lý giảm 235 vụ.
Thực tiễn xét xử ghi nhận phần lớn vụ án hành chính là những khiếu kiện phức tạp; liên quan đến quyết định, hành vi về quản lý hành chính.
Rút đơn ở tòa
Đáng nói, khiếu kiện lĩnh vực cưỡng chế xây dựng có xu hướng tăng cao. Mới đây, TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về "Khiếu kiện quyết định hành chính", người khởi kiện là ông Phạm Thanh Việt (SN 1984), người bị kiện là chủ tịch UBND huyện Củ Chi.
Hồ sơ thể hiện ông Việt xây khu chăn nuôi gà trên mảnh đất nông nghiệp - đất trồng cây hằng năm ở huyện Củ Chi. Chính quyền kết luận chủ đầu tư (ông Việt) xây dựng công trình trên phần đất rộng gần 700 m2 nhưng không xin cấp phép xây dựng.
Năm 2020, chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Việt. Văn bản nêu rõ người dân có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Do đó, chính quyền buộc tháo dỡ công trình.
Khu đất liên quan đến vụ kiện hành chính kéo dài nhiều năm ở TP Thủ Đức
Cho rằng văn bản hành chính có nội dung trái luật, ông Việt đâm đơn kiện, đề nghị tòa án hủy bỏ quyết định kể trên.
Tại tòa, HĐXX cùng đại diện VKSND TP HCM giải thích mặt lợi - hại nếu sự việc kéo dài. Nghe cơ quan pháp luật phân tích, ông Việt chấp nhận rút đơn kiện ngay tại tòa. Theo trình tự, tòa án sẽ ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Qua nhiều cấp xét xử
Trong khi đó, không ít vụ án hành chính lâm cảnh "treo" chưa rõ thời hạn. Điển hình TAND TP HCM đang xử lý vụ kiện hành chính "Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai" giữa bà Nguyễn Thị Trường (SN 1942) với UBND TP Thủ Đức (UBND quận 2 cũ, TP HCM). Kéo dài từ năm 2010 đến nay, vụ kiện trải qua nhiều cấp xét xử rồi quay lại khởi điểm.
Năm 2007, UBND quận 2 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 1.100 m2 đất cho gia đình bà Trường. Hai năm sau, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (Công ty Sơn Kim) đầu tư dự án tại khu vực có mảnh đất trên.
Đến năm 2010, UBND quận 2 ban hành văn bản thu hồi hơn 600 m2 đất mà gia đình bà Trường quản lý, sử dụng để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án của Công ty Sơn Kim. Không đồng tình, bà Trường khiếu nại rồi kiện hành chính.
Xử sơ thẩm, TAND quận 2 (nay là TAND TP Thủ Đức) hủy quyết định hành chính do UBND quận 2 ban hành về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Không đồng tình, UBND quận 2 và Công ty Sơn Kim đồng loạt kháng cáo. Kết quả, TAND TP HCM sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Lập tức kháng nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị cơ quan có thẩm quyền cân nhắc hủy bản án phúc thẩm.
Xử giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM nhận định công trình do Công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư là dự án kinh doanh chứ không phải là dự án phát triển kinh tế mà nhà nước là chủ đầu tư.
Chính vì thế, dự án không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Thời điểm chính quyền ra quyết định thu hồi, khu đất triển khai dự án thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng trường mầm non...
Tóm lại, dự án chưa có trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị. Tòa phúc thẩm sai lầm khi kết luận UBND quận 2 làm đúng. Không những thế, cấp phúc thẩm chưa tạo điều kiện hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng. Từ đó, cơ quan xét xử giám đốc thẩm tuyên bố hủy bản án phúc thẩm.
TAND TP HCM vừa tổ chức phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện hành chính kể trên. Tuy nhiên, HĐXX hoãn phiên tòa vì đại diện chủ đầu tư, UBND TP Thủ Đức đều vắng mặt. Dự kiến, HĐXX sẽ mở lại phiên tòa trong tháng 1-2022.
Tỉ lệ giải quyết án giảm vì Covid-19
Từ tháng 6 đến tháng 9-2021, vì dịch Covid-19 nên tòa án 2 cấp thuộc TP HCM hoãn xét xử, giải quyết tất cả vụ án, vụ việc. Tòa án cũng dừng mọi hoạt động tố tụng, như: tống đạt thông báo thụ lý, triệu tập đương sự, thu thập chứng cứ.
Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ giải quyết án giảm đáng kể so với những năm trước.
Bình luận (0)