Hiện phường, xã có 2 lực lượng tại chỗ đảm nhận công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng cháy chữa cháy (PCCC) gồm: bảo vệ dân phố (BVDP) và dân phòng (DP). Tuy nhiệm vụ tương đồng nhưng 2 lực lượng có tổ chức biên chế và hoạt động theo quy định khác nhau.
Người trẻ ít gia nhập
Phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP HCM) là một trong những địa phương có BVDP và đội DP tinh nhuệ tại TP HCM. Ông Lý Nhơn Thành, Trưởng Ban BVDP phường Nguyễn Thái Bình, liệt kê phường hiện có 4 môtô phân khối lớn, 1 ôtô tuần tra - chữa cháy, một xe chữa cháy mini, một máy chữa cháy lớn, 15 áo giáp chống đạn cùng nhiều thiết bị khác. Toàn bộ kinh phí mua sắm những trang thiết bị trên đều là tiền ông Thành vay ngân hàng. BVDP phường có tất cả 15 thành viên và đây cũng là nòng cốt trong đội DP. Nói về khó khăn trong quá trình hoạt động, ông Thành chia sẻ: "Hiện nhân lực chủ yếu gia nhập 2 lực lượng là người lớn tuổi, nghỉ hưu. Khi có sự cố cần xử lý, đội ngũ trên khó cơ động và cứu nạn, cứu hộ kịp thời. Nếu muốn trẻ hóa lực lượng, các địa phương nên khuyến khích thanh niên gia nhập lực lượng DP bằng cách xem xét miễn nghĩa vụ quân sự".
Trong khi đó, theo Công an TP HCM, việc duy trì lực lượng DP gặp không ít khó khăn do DP hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nhưng tính chất hoạt động PCCC là thường trực chữa cháy 24/24 giờ tại từng khu phố, ấp. Hầu như người dân không muốn tham gia lâu dài. Hơn nữa, lực lượng DP hưởng chế độ chính sách thấp, nguồn hỗ trợ chủ yếu là phụ cấp không đủ trang trải cuộc sống. Hiện chỉ đội trưởng và đội phó đội DP nhận hỗ trợ thường xuyên với mức lương bằng 25% lương cơ sở/người/tháng. Đội viên không có nguồn hỗ trợ nào.
Cán bộ công an trò chuyện, thăm hỏi hoạt động của lực lượng dân phố, bảo vệ dân phố ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM
Tốt hơn khi quy về một mối
Sau quá trình khảo sát, đánh giá hoạt động lực lượng DP trên địa bàn, Công an TP HCM đề xuất Bộ Công an nghiên cứu hợp nhất BVDP với DP thành một lực lượng hoạt động theo chế độ chuyên trách. Mỗi đơn vị có biên chế thường trực tối thiểu 10 người trong một ca trực. Qua đó, địa phương có thể tập trung nhân lực, phương tiện trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và PCCC tại địa bàn dân cư. Việc 2 lực lượng quy về một mối tạo điều kiện thuận lợi trong điều hành, chỉ huy khi xử lý vụ việc, tiết kiệm kinh phí.
Công an TP kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế thiết thực huy động thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân về địa phương trở thành nòng cốt đội DP. Bởi vì phương án trên giúp thanh niên dù ra quân nhưng vẫn phát huy tốt nghiệp vụ, kinh nghiệm tích lũy trong thời gian tại ngũ, nhờ đó đội DP nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trước mắt, Bộ Công an cần quy định cụ thể về quy chế phối hợp giữa BVDP, DP và dân quân tự vệ.
Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Bộ Công an, khẳng định nhà nước luôn quan tâm, đánh giá cao đội ngũ giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và PCCC tại chỗ. Hiện Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, kiểm tra ở cơ sở. Từ đó, các đơn vị tham mưu, đề xuất nội dung soạn thảo văn bản xây dựng đội ngũ kể trên một cách thống nhất, đồng bộ, với chế độ đãi ngộ và điều kiện hoạt động tốt hơn. "Hợp nhất BVDP và DP là giải pháp cần thiết. Chúng tôi tiếp tục khảo sát, nắm tình hình và đưa ra đánh giá toàn diện trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH nhanh chóng tham mưu với Bộ Công an trong việc đề xuất Chính phủ ban hành văn bản pháp quy về vấn đề này" - Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng nhấn mạnh.
Lực lượng DP hoạt động theo Luật PCCC
Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP ban hành ngày 17-4-2006, mỗi khu phố thành lập một tổ BVDP có biên chế từ 3-7 đội viên.
Trong khi đó, lực lượng DP hoạt động theo Luật PCCC, một đội DP có từ 10-30 đội viên, thành phần tham gia chủ yếu và nòng cốt là BVDP, dân quân tự vệ, lãnh đạo tổ dân phố. Cơ quan Cảnh sát PCCC-CNCH có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng DP.
Bình luận (0)