Bốn bị cáo vòi vĩnh, ép buộc nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh chi tiền bồi dưỡng. Nếu không chấp thuận, người dân phải đóng mức thuế cao. Các bị cáo sa lưới khi nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh lên tiếng tố cáo với với công an.
Bên cạnh 4 bị cáo phạm tội "Nhận hối lộ", cơ quan pháp luật không thể làm ngơ người đưa hối lộ. Dù vậy, pháp luật tạo điều kiện hết mức nếu đối tượng có hành vi trên chủ động khai báo, tố cáo. Nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể liên quan trong vụ án thừa nhận họ có đưa tiền cho cán bộ thuế và chủ động tố cáo. Tòa án nhận định đưa tiền như vậy là hành vi dùng lợi ích vật chất (tiền) để đưa hoặc thỏa thuận hứa sẽ đưa hối lộ cho cán bộ thuế, với mục đích hưởng lợi ích từ việc xem xét áp mức thuế khoán mới có lợi hơn. Từ đó, tiểu thương, hộ kinh doanh hưởng lợi từ việc giảm số tiền thuế nộp vào ngân sách. Hoặc họ có lợi vì cán bộ thuế không gây khó khăn trong kinh doanh. Hành vi trên có dấu hiệu của tội phạm "Đưa hối lộ". Tuy vậy, trước khi cơ quan pháp luật phát giác, những người này chủ động khai báo, tố cáo. Chiếu theo khoản 7, điều 364 (Bộ Luật Hình sự), cơ quan pháp luật có cơ sở tuyên bố trường hợp đó không có tội hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, một số tiểu thương xác định có đưa tiền nhưng không thừa nhận hành vi đưa hối lộ. Những người này khẳng định họ chỉ đưa tiền bồi dưỡng, tiền đóng thuế hộ. Họ không có ý thức đưa hối lộ. Do chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm nên cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét truy cứu hình sự.
Bình luận (0)