Cách đây vài chục năm, gia đình cụ D.T.A (72 tuổi) canh tác, sinh sống trên mảnh đất rộng hơn 3.000 m2 ở vùng ven TP HCM. Năm 2018, chồng mất, cụ A. tiếp tục ở căn nhà cấp bốn xây tại đây.
Âm thầm làm giấy tờ nhà đất
Dù cụ A. sinh đến 8 người con nhưng không ai có cuộc sống khá giả nên không thể chăm sóc mẹ chu toàn. Đã vậy, khi lập gia đình, họ bắt đầu hối thúc mẹ chia mảnh đất được tạo dựng từ mồ hôi, công sức của cha mẹ. Từ đó, cụ A. không còn thấy cảnh con cái tập trung đông đủ vào ngày giỗ cha…
"Tôi chưa nằm một chỗ mà các con nhăm nhe tranh giành. Miếng đất là tài sản duy nhất vợ chồng tôi tần tảo cả đời mới có" - cụ A. tấm tức. Đó là tất cả những gì người mẹ già có thể nói về những đứa con rứt ruột sinh ra, nuôi nấng thành người.
Khởi kiện con gái út và con rể, cụ A. đề nghị tòa án hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất do vợ chồng con gái đứng tên. Cách đây không lâu, người con gái út làm ăn thua lỗ nên bán nhà trả nợ. Thấy con cháu lâm cảnh khốn cùng, cụ A. gọi con về ở chung, cho gia đình con gái út mượn đất, cất một căn nhà tạm sát bên nhà cụ đang ở. Không biết từ khi nào, vợ chồng người con gái út âm thầm đăng ký kê khai, đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.000 m2 đất. Mãi đến khi những người con khác kéo sang gây sự ầm ĩ với mẹ và vợ chồng em út, cụ A. mới biết tài sản vốn thuộc về mình có giấy tờ sở hữu mang tên vợ chồng con gái út. Trước đó, vợ chồng cụ chưa kịp làm thủ tục xin cấp giấy tờ sở hữu khu đất.
Ngày tòa án mở phiên tòa sơ thẩm, gia đình những người con khác cũng đến theo dõi diễn biến phiên tòa nhưng không ai trong số họ tiến đến hỏi thăm hay dìu mẹ lên bậc thang, vào phòng xử án.
Đánh nhau ngoài cổng tòa
Tại tòa, vợ chồng người con gái út khẳng định được cụ A. chuyển nhượng lại toàn bộ khu đất và đưa ra hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên. Bị đơn giải thích: "Chúng tôi làm thủ tục giấy tờ bảo đảm đủ điều kiện pháp luật bắt buộc. Trong hợp đồng mua bán ghi rõ chúng tôi mua mảnh đất với giá 760 triệu đồng. Vợ chồng tôi đã đưa hết tiền cho mẹ".
Chính quyền địa phương gửi văn bản đến tòa án, xác nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ hợp đồng chuyển nhượng.
Trong khi đó, cụ A. một mực nói rằng cụ không bao giờ bán đất. "Đơn kiện tôi còn nhờ cháu họ làm cán bộ xã viết giùm thì tôi làm sao biết hợp đồng chuyển nhượng là giấy tờ gì. Tôi chỉ nhớ có lần tụi nó (vợ chồng bị đơn - PV) có kêu tôi ký giấy tờ để làm giấy tạm trú. Chắc tụi nó lừa tôi rồi!" - nguyên đơn bật khóc.
Tiếng chửi bới, la hét của những người con khác từ hàng ghế phía dưới vang lên, lấn át tiếng khóc cay đắng của người mẹ già. Cụ A. lặng thinh, bất lực.
Chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa vì cơ quan xét xử cần thu thập, xác minh thêm chứng cứ. Nhiều lần, chủ tọa cảnh cáo thái độ, hành động mà những người có bổn phận làm con đã thể hiện suốt hai ngày phiên tòa diễn ra.
Như lúc đến tòa, cụ A. lẻ loi bắt xe ôm về nhà. Cụ có phần thất vọng vì sau hai ngày mệt mỏi, cụ chưa thể nhận kết quả phân xử. Ở tuổi gần đất xa trời, người mẹ già vẫn lui cui trồng rau quanh nhà, đem bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Phần lớn khách mua rau đều là hàng xóm, họ giúp cụ kiếm miếng cơm vì thương cảm cho hoàn cảnh bất hạnh mà cụ đang trải qua.
Xe máy chở người mẹ già đi khuất. Trước cổng tòa, những người con vẫn chưa thôi cãi vã, không từ bỏ ý định chia năm xẻ bảy miếng đất dù mẹ vẫn đang sinh sống ở đó.
Cần trưng cầu giám định
Theo luật sư Phạm Văn Khánh (Đoàn Luật sư TP HCM), cơ quan xét xử có thể trưng cầu giám định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nếu kết quả cho thấy chữ ký không phải do cụ A. ký thì cụ dễ dàng thắng kiện. Trong trường hợp kết quả giám định ngược lại, tòa án thu thập thêm chứng cứ khác. Lúc này, cụ A. cần chứng minh bản thân bị lừa khi ký hợp đồng.
Bình luận (0)