"Trước khi phạm tội, vợ chồng bị cáo Việt bị người khác gạt mất số tiền khá lớn. Từ đó đến nay, gia đình họ chưa thoát cảnh nợ nần chồng chất" - luật sư bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Quốc Việt (SN 1974, ngụ tỉnh Đồng Nai) nói trong phần bào chữa.
Luật sư vừa dứt lời, vợ bị cáo Việt bật khóc. Không muốn làm gián đoạn phiên tòa, chị cố gắng dằn từng tiếng nấc.
Vợ đau đáu
Nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt người phụ nữ có người chồng là bị cáo vì trộm đồ của công ty. Trước đó, chị đến tòa rất sớm. Chị cố gắng tiếp cận cửa phòng xử án với hy vọng nhìn thấy mặt chồng. HĐXX bắt đầu làm việc, chị lặng lẽ ngồi vào dãy ghế cuối phòng xử, chăm chú theo dõi.
Trước bục thẩm vấn, chồng chị - bị cáo Nguyễn Quốc Việt cùng đồng phạm, gồm: Trần Văn Tuấn (SN 1997; ngụ Đắk Lắk), Nguyễn Ngọc Tuấn Anh (SN 1983; ngụ Tiền Giang), Bùi Văn Hùng (SN 1990; ngụ Đắk Nông), cùng bị truy tố tội "Trộm cắp tài sản".
Cơ quan công tố cáo buộc 4 bị cáo đồng lõa thực hiện 14 lần phạm tội, trộm 2.590 chiếc muỗng inox của công ty. Theo định giá, số tài sản đó giá trị gần 80 triệu đồng. Nêu quan điểm trước tòa, đại diện VKS cáo buộc 4 bị cáo phạm tội có tổ chức. Trong đó, Việt đóng vai trò chủ mưu. "HĐXX cần xem đây tình tiết tăng nặng khi tuyên bố hình phạt" - đại diện cơ quan công tố đề nghị. Nghe vậy, người vợ đưa tay lên cố đè nén cơn nhói bất chợt trong ngực. Chị không nói chuyện, không lên tiếng cả khi đứng ngoài phòng xử. Chỉ có những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn rơi. Của thiên trả địa. Chị không nhận được đồng nào của chồng từ số tiền bất chính kia. Nợ vẫn chất chồng, giờ chồng lại mang tiếng xấu. Nỗi mệt mỏi hiện lên trên gương mặt người phụ nữ này. Dù vậy, sau phiên tòa, chị lại gạt nước mắt, nuốt nỗi hờn tủi vào trong để vừa làm chồng vừa làm cha, gách vác việc nhà, nuôi dạy 2 con thơ.
Bị cáo Nguyễn Quốc Việt (ngoài cùng) và đồng phạm
Mẹ già ngóng chờ
Lòng tham của bị cáo Việt không chỉ khiến vợ và 2 con lâm cảnh bơ vơ, túng thiếu mà còn khiến người mẹ già héo mòn vì mong nhớ. Luật sư cho hay mẹ Việt đã bước sang tuổi 72. Từ lâu, bà nằm liệt một chỗ vì tai biến. Đã 2 năm kể từ ngày Việt vào tù, bà vẫn nghĩ con trai đi hợp tác lao động nước ngoài nên không thể về quê thăm.
Một người thân đến dự tòa kể: "Bà yếu quá nên mọi người trong gia đình đành nói dối mỗi khi bà nhắc đến Việt. Ngày nào bà cũng nhắc đến con trai. Ba anh em còn lại thay nhau chăm sóc, động viên mẹ chờ ngày Việt đi xuất khẩu lao động về". Sự lo ngại về sức khỏe của mẹ lẫn niềm tự hào của gia đình ngăn họ lại. Cha mẹ đều là những người có công với cách mạng, có những cống hiến nhất định trong thời bình; con lại không phải là một công dân tốt. Cái tốt không thể che đậy được cái xấu, dù là bất chợt.
Cũng lo lắng không yên, mẹ bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn Anh liên tục nhấp nhổm chờ ý kiến từ HĐXX. Bà lo cơ quan pháp luật bỏ qua chi tiết bà giao nộp 20 triệu đồng khắc phục hậu quả thay con. Đứa con trai mà theo bà có lớn chứ chưa khôn, làm bảo vệ mà còn quá dại khờ, nghe lời bạn để rồi vướng tù tội.
Giờ nghị án, người mẹ rối rít bắt tay luật sư bào chữa cho bị cáo Việt. "Cảm ơn luật sư nhiệt tình nói giúp chuyện tôi gửi công ty 20 triệu đồng trong phần bào chữa, mặc dù đó không liên quan đến trách nhiệm luật sư. Giờ tôi chỉ mong con sớm trở lại làm người có ích" - bà mẹ gầy guộc nói chậm với đôi mắt đỏ hoe.
Gia đình 4 bị cáo trong vụ án đều đền bù thiệt hại hoặc bày tỏ mong muốn khắc phục thay người thân. HĐXX nhận định đây là căn cứ giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.
Kết thúc phiên tòa, những lo âu, mệt mỏi cũng dần được trút xuống. Trong sân tòa rộng, những người vợ, người mẹ vẫn bần thần đứng chờ người nhà được dẫn giải, đưa ra xe. Những cái bóng quen thuộc đó rồi cũng khuất dần. Chỉ có ánh mắt dõi theo là còn mãi.
Sản phẩm lỗi hay thành phẩm?
TAND TP HCM tuyên phạt Nguyễn Quốc Việt 3 năm tù, Trần Văn Tuấn 2 năm 5 tháng tù, Nguyễn Ngọc Tuấn Anh và Bùi Văn Hùng mỗi người 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội "Trộm cắp tài sản".
Tại tòa, bị cáo Việt cho rằng số muỗng các bị cáo lấy đi là sản phẩm lỗi. Vì thế, luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xác định lại giá trị tang vật bằng cách thực nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, HĐXX đồng ý với lập luận VKS đưa ra - căn cứ xác nhận từ kết quả định giá có trong hồ sơ khi kết luận về giá trị tài sản; luật không quy định bắt buộc thực nghiệm hiện trường đối với những vụ án có tính chất như trên.
Bình luận (0)