Khu mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có diện tích 400 ha, trữ lượng 160 triệu m3, hiện có 10 mỏ khai thác. Đây cũng là nơi Hợp tác xã (HTX) An Phát (của ông Đỗ Tịnh, chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - vừa bị trung ương kỷ luật vì sai phạm) khai thác đá, cùng với nhiều khu mỏ của các đơn vị khác.
Những doanh nghiệp có thế lực?
Ngày 26-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã thâm nhập khu mỏ đá Tân Cang và ghi nhận tình hình khai thác khoáng sản ồ ạt tại đây. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đầu tư vào khu khai thác này đều là những doanh nghiệp có thế lực tại khu vực.
Đầu tiên phải kể đến HTX An Phát khi đơn vị này làm chủ ít nhất một khu khai thác trong 10 khu mỏ tại đây. HTX An Phát cũng là nhân tố chính trong việc "lùm xùm" về con đường chuyên dụng tai tiếng. Theo đó, từ năm 2008, kế hoạch xây dựng con đường chuyên dụng được hình thành, lúc đó khu vực xã Phước Tân còn thuộc huyện Long Thành.
Thời gian này, theo các doanh nghiệp tại đây, các chủ mỏ rất đoàn kết lên kế hoạch cùng nhau xây dựng đường chuyên dụng, thậm chí đã đóng góp khá nhiều tiền để triển khai nhiều vấn đề liên quan. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi khi xã Phước Tân sáp nhập địa giới TP Biên Hòa. Năm 2015, việc đầu tư xây dựng đường chuyên dụng được chuyển sang hình thức BOT và cơ quan chức năng chỉ định (không đấu thầu) cho Công ty An Thuận Phát (liên doanh giữa HTX An Phát và Công ty Cường Thuận) làm chủ đầu tư.
Khu mỏ đá Tân Cang tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Các doanh nghiệp khác bức xúc cho rằng họ không được hỏi ý kiến mặc dù là đối tượng thụ hưởng BOT và chịu ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp. Họ còn xác nhận việc liên kết giữa HTX An Phát và Công ty Cường Thuận để làm đường chuyên dụng là do phía HTX không có chức năng xây dựng hạ tầng giao thông.
Công ty Cường Thuận cũng tham gia khai thác khoáng sản và từng lên kế hoạch xin triển khai khu mỏ đá ở vùng ruộng lúa ở xã Bình Lợi, giáp làng bưởi Tân Triều ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nhưng sau đó bị dừng; đơn vị này cũng đang có kế hoạch đầu tư du lịch, xây chùa, dựng cáp treo trên hồ Trị An, bên khu bảo tồn thiên nhiên.
Cường Thuận chính là công ty mẹ của Công ty Đồng Thuận, chủ đầu tư tuyến tránh TP Biên Hòa đang bị người dân phản ứng. Tuyến tránh TP Biên Hòa từ con đường được kỳ vọng là "kiểu mẫu" những năm qua cũng trở nên hư hại nặng, mất an toàn giao thông và bụi mịt mù do xe ben từ các mỏ đá ồ ạt vào - ra.
Tại khu mỏ đá Tân Cang còn có các doanh nghiệp khác như Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop), Công ty CP Tân Cang, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 610, Công ty Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng BMT, Công ty CP Đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai, Công ty CP Hóa An…
Nhiều dấu hiệu bất cập và bất minh
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại hiện trường, việc khai thác và vận chuyển vật liệu thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong khu vực. Theo người dân, việc sử dụng đường chuyên dụng để vận chuyển khoáng sản là cần thiết và lẽ ra đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, việc quy hoạch hạ tầng giao thông khu khai thác khoáng sản đã có nhiều dấu hiệu bất cập và bất minh.
Tại hiện trường, đúng như một số doanh nghiệp phản ánh, do dự án đường chuyên dụng mới hoàn thành 2/3 nên chỉ phục vụ được một nửa số doanh nghiệp tại khu khai thác khoáng sản; số còn lại bị cô lập hoàn toàn do lực lượng chức năng đã cấm lưu thông ở đường dân sinh, đồng thời người dân cũng lập barie ở các đường ngang ngõ tắt, dẫn đến ngưng trệ hoạt động.
Năm mỏ đá đã không thể vận chuyển vật liệu trong vòng hơn 1 tuần qua từ khi… đường chuyên dụng thông xe. "Hiện tại, chúng tôi phải chờ giai đoạn 2 của đường thông dụng nhưng không biết đến bao giờ" - một chủ doanh nghiệp khai thác đá tại đây nói.
Bên cạnh đó, đường chuyên dụng nối khu mỏ đá Tân Cang ra Quốc lộ 51, dài hơn 7 km, được xây dựng bằng bê-tông cốt thép với tổng vốn hơn 130 tỉ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 12 năm lại vẫn tiếp tục bị các doanh nghiệp phản ứng. Một số chủ mỏ tố cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh chi sai mục đích trong việc trích ngân sách nhà nước để làm khoản chi hỗ trợ đền bù, giải tỏa mặt bằng làm đường BOT do chồng mình làm chủ đầu tư.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị thanh tra dự án tuyến BOT vì cho rằng không đáp ứng tiêu chuẩn. Phương án ban đầu làm tuyến đường này chỉ chưa đến 86 tỉ đồng nhưng khi thực hiện BOT thì vốn đầu tư lên đến 130 tỉ đồng. Theo các doanh nghiệp, với trữ lượng khu khoáng sản, dễ dàng tính toán được sau 12 năm thu phí, lợi nhuận từ con đường lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
"Chúng tôi phải lên tiếng, tại sao lại cho người nhà được thực hiện dự án rồi áp đặt chúng tôi trả phí cao, phải trả theo lượt không được trả vé tháng, thời gian thu phí cũng áp đặt và không đúng với thực tế…" - ông Trần Phúc, đại diện mỏ 610 Tân Cang, bức xúc.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 25-9, ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường chuyên dụng theo hình thức BOT đã được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua, kể cả giá thu, thời gian thu phí cũng được thông qua, đúng theo quy định của pháp luật.
Từng đóng góp nhiều tiền?
Các chủ mỏ đá cho rằng dự án đường chuyên dụng khi chưa có quyết định chuyển sang hình thức BOT, năm 2008, các doanh nghiệp tại đây từng đóng mỗi đơn vị 300 triệu đồng để làm các công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế… Thế nhưng, sau đó, 5 trong tổng số các doanh nghiệp tại khu mỏ không được phản hồi hoặc tham gia ý kiến gì về đường chuyên dụng.
Bình luận (0)