Trong phòng xử án, một thanh niên và một ông lão ngồi sát nhau thì thầm bàn bạc. Ở dãy bàn song song, có một người ngồi một mình. Trong lúc chờ đợi, ông cẩn thận xem lại hồ sơ. Ba người như ở trong hai thế giới khác nhau. Song, họ đều đến tòa tham gia vụ kiện giữa ông lão với nơi ông làm việc.
Không có tiếng nói chung
Tiếng chuông vang lên, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lao động giữa nguyên đơn là ông T.M.S (56 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) và bị đơn là trường THCS - nơi ông S. làm bảo vệ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Vào năm 2009, ông S. được ký hợp đồng làm việc ở vị trí bảo vệ cho trường. Trong thời gian làm việc, ông hưởng lương và chế độ như thỏa thuận. Đến ngày 31-8-2016, nhà trường đột ngột thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông. Bất bình, ông S. khởi kiện ra tòa. Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn đưa ra. Lập tức, ông S. kháng cáo với lý do bản án sơ thẩm không phản ánh đầy đủ bản chất sự việc.
Trước khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa khuyên nhủ hai bên cân nhắc hòa giải thay vì phải "đáo tụng đình". Trả lời, người đại diện cho ông bảo vệ cương quyết: "Chúng tôi luôn lắng nghe, cầu thị. Tuy nhiên, từ khi phát sinh tranh chấp, nhà trường chưa hề có động thái bàn thảo, trao đổi". Cứng rắn không kém, đại diện bị đơn chấp nhận theo kiện.
Hai bên đều đưa ra nhiều bằng chứng chi tiết, lý lẽ kiên định. Một bên khăng khăng nhà trường sa thải và thực hiện chế độ chính sách sai luật. Bên kia giải thích đây là trường hợp lao động phát sinh ngoài biên chế. Nhà trường chấm dứt hợp đồng khi ông S. quá tuổi. Do phía ông S. nhiều lần thay đổi nội dung khởi kiện nên tòa án không theo kịp dẫn đến tình trạng thời gian xét xử kéo dài.
Hòa giải bất thành, HĐXX phúc thẩm tiến hành các bước xét xử tiếp theo.
Chỉ vì thiếu thành ý
Tại tòa, nguyên đơn trình bày 7 yêu cầu. Trong đó, ông S. yêu cầu nhà trường khôi phục vị trí làm việc, chi trả hơn 200 triệu đồng tiền chế độ chính sách theo luật định; xin lỗi công khai trước hội đồng sư phạm…
Diễn biến phiên tòa mỗi lúc một gay cấn khi đại diện nguyên đơn đưa ra hàng loạt câu hỏi. "Căn cứ vào đâu mà đơn vị sự nghiệp công lập trốn đóng BHXH?" - người đại diện chất vấn.
Đại diện bị đơn đáp lời: "Từ năm 2014 đến nay, nhà trường đóng BHXH đầy đủ. Trước đó, việc đóng BHXH có gián đoạn do nhà trường có một số thay đổi". Phía nguyên đơn hỏi dồn: "Căn cứ vào đâu mà nhà trường thỏa thuận ngầm với người lao động về việc tự đóng BHXH, tái ký hợp đồng rất nhiều lần...?".
"Thưa HĐXX, căn cứ Bộ Luật Lao động thôi. Theo luật, hai bên có thể tự bàn bạc và thống nhất" - đại diện bị đơn lập luận. Vị luật sư của trường nói trước đó, trường có sắp xếp ông S. tiếp tục đến làm việc nhưng ông kiên quyết đợi phán xét từ tòa án, chứ không phải trường không có thành ý.
Tranh cãi không ngừng. Dù ủy quyền cho người đại diện nhưng ông S. nhiều lần xin có ý kiến. HĐXX nhắc nhở ông không nên nóng vội. Ông S. cho biết suốt thời gian làm việc, ông không nghỉ ngày nào, tận tâm và trách nhiệm.
Quạt trên trần quay không nghỉ nhưng không thể giúp không khí căng thẳng trên nét mặt hai bên dịu lại.
Sau giờ nghị án, HĐXX phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm. HĐXX nhận định khi tiếp nhận yêu cầu hai bên, cấp sơ thẩm không hướng dẫn các bên bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, cũng như tiến hành thủ tục hòa giải theo quy định. Thiếu sót kể trên khiến tranh chấp không được giải quyết một cách triệt để. Bản án sơ thẩm làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục. Vì thế, TAND TP HCM hủy toàn bộ bản án, yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại.
Phiên tòa kết thúc, ông bảo vệ già ra khỏi phòng xử với nét mặt phấn khởi. Hai năm đã qua, với người quen của mình, ông cứ lên xuống tòa để tìm một phiên tòa công minh cho một người lao động ít hiểu biết pháp luật như ông. Có người bảo kiện làm gì cho mất công ở cái tuổi này, bạc mặt, bạc lòng. Nhưng ông biết rằng ông đang đi tìm niềm tin cho riêng mình.
Ông S. nói hiệu trưởng cũ đối xử tệ bạc với người lao động. Vì vậy, ông nhất định đòi lại danh dự, công bằng. Mặc dù người hiệu trưởng cũ mà ông S. nhắc đến trong suốt phiên tòa giờ đã…về hưu.
Đã khiếu nại trước đó
Sau khi cấp sơ thẩm ban hành bản án, VKS đã có quyết định kháng nghị, cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Trước đó, ông S. làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan, ban ngành. Chính quyền địa phương yêu cầu trường học sắp xếp công việc; đồng thời rà soát, chi trả chế độ, chính sách cho người lao động.
Bình luận (0)