Ngày 10-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng các bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trước khi vào phần tranh tụng, đại diện VKSND Cấp cao ngày 10-5 đã nêu quan điểm luận tội các bị cáo trong vụ án.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: TTXVN
Theo VKS, trước đó, phiên sơ thẩm vào tháng 1-2018, TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), án chung thân; 20 bị cáo khác nhận các bản án từ 30 tháng tù treo đến 22 năm tù giam.
Sau đó, 15 người gửi đơn kháng cáo đến cấp phúc thẩm, đa phần xin giảm nhẹ hình phạt. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kêu oan toàn bộ kết luận của tòa sơ thẩm và mong TAND Cấp cao xem xét lại tội danh, mức án.
Bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo, cho rằng án sơ thẩm quá nghiêm khắc, HĐXX chưa đánh giá phù hợp vai trò, trách nhiệm của bản thân trong vụ án xảy ra tại PVN. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc HĐXX đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng và quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc.
Tuy nhiên, trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáoTrịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo. Qua đó, HĐXX đã đình chỉ phúc thẩm đối với Trịnh Xuân Thanh theo trình tự phúc thẩm.
Về kháng cáo ông Đinh La Thăng, VKSND Cấp cao nhận định tại bút lục 6284, 2698 bị cáo là chủ tịch HĐTV của PVN nên quyết định quản lý vốn của PVN. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để tạo nguồn vốn, về sử dụng vốn tạm ứng, gây thiệt hại cho PVN hơn 119 tỉ đồng.
Cụ thể, PVC đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa đủ năng lực để thi công những dự án lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn giao gói thầu cho PVC. Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định và tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng cho PVC trái quy định pháp luật. Sau khi PVC nhận được tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh và cấp dưới dùng 1.100 tỉ đồng vào mục đích khác gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đại diện VKS ngày 10-5 nhận định, bản sơ thẩm quy kết là đủ căn cứ và đúng quy định của pháp luật, không có oan sai.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Riêng bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận hành vi cố ý làm trái chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu, thiếu giám sát. Tại phiên tòa, bị cáo và các luật sư không nêu được tình tiết giảm nhẹ nào mới do vậy, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm cho bị cáo Đinh La Thăng là phù hợp.
Đại diện VKSND đề nghị HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo Đinh La Thăng, Vũ Hồng Chương, cựu trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2, Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC, Ninh Văn Quỳnh, cựu kế toán trưởng PVN. Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc PVN và một số bị cáo khác.
Bình luận (0)