Ngày 9-5, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Thủ tướng cho phép?
Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng xin giữ nguyên kháng cáo không phạm tội cố ý làm trái. Ông nói sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã suy nghĩ rất kỹ và kháng cáo vì thấy những chứng lý các luật sư bào chữa không được HĐXX xem xét một cách thấu đáo.
Ông Đinh La Thăng trình bày tại phiên tòa Ảnh: TTXVN
Theo ông Thăng, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được thực hiện trong bối cảnh là phát huy tiềm lực xây dựng PVN kinh doanh đa ngành, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Vào tháng 2-2009, Thủ tướng tiếp tục cho PVN chỉ định đơn vị thành viên làm tổng thầu các dự án đầu tư của tập đoàn. "Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm của nhà nước, nằm trong sơ đồ phát triển điện 6 và sau này là 7. Thủ tướng cho cơ chế đặc thù vừa thiết kế vừa thi công và đầu tư. Dự án này được một phó thủ tướng lúc đó trực tiếp chỉ đạo" - ông Thăng khai. Vì vậy, việc lựa chọn Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tổng thầu là "không sai quy định", thực hiện đúng ý kiến phó thủ tướng. Công văn 978 của phó thủ tướng nói PVN phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tổng thầu đủ điều kiện và ông chỉ đôn đốc tiến độ thực hiện, còn việc chỉ định thầu, thực hiện mọi ký kết sau đó thuộc chủ đầu tư.
"Dự án có sự phân công rõ ràng, đó là HĐTV giao chủ đầu tư PVPower và tổng giám đốc PVPower làm việc với 3 phó tổng giám đốc PVN phụ trách. Ngoài ra, PVPower là pháp nhân độc lập chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật cũng như PVN" - ông Thăng trình bày. Chủ tọa phiên tòa ngắt lời ông Thăng, hỏi: "Hậu quả này, với trách nhiệm chủ tịch HĐTV tập đoàn, bị cáo thấy mình có tội gì không? Đặc biệt PVC không đủ năng lực làm dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng vẫn được chỉ định thầu?". Trả lời HĐXX, bị cáo Thăng cho rằng việc quy kết chỉ định PVC làm tổng thầu không trái quy định pháp luật, bởi trách nhiệm chọn tổng thầu là của chủ đầu tư - PVPower. Ngoài ra, năng lực tài chính của PVC, theo báo cáo 3 năm, từ năm 2009-2011, PVC đều có lãi.
Chủ tọa nhắc lại lời khai của nhiều bị cáo nói lúc đó PVC khó khăn, như nợ ngân hàng, đầu tư dàn trải dẫn đến mất cân đối dòng tiền thì bị cáo có nắm được không. Ông Thăng biện minh lúc đó căn cứ vào các báo cáo tài chính kiểm toán chứ không biết những vấn đề như lời khai của nhiều bị cáo tại tòa.
Không ngủ được nên không thể viết thành tích
Về kinh nghiệm của PVC, bị cáo Đinh La Thăng nhận định tổng công ty này từng tham gia thầu phụ và liên danh tổng thầu lớn. Cụ thể, tại dự án lọc dầu Dung Quất, Cà Mau còn làm cả thầu phụ lẫn tổng thầu cùng Lilama. HĐXX truy hỏi: "Chính phủ có ý kiến về liên danh tổng thầu, vậy sao lại giao PVC làm tổng thầu?". Về việc này, ông Thăng khai quá trình chuẩn bị tìm đối tác gặp khó khăn do nhà thầu nước ngoài không đồng ý. Căn cứ thực tế, ông Thăng có ký văn bản trình Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, trên cơ sở đó HĐTV ra nghị quyết đồng ý cho PVC làm tổng thầu. Ngoài ra, tại lễ khởi công dự án Thái Bình 2, một lãnh đạo ở cấp trung ương đã phát biểu việc chọn nhà thầu trong nước là hướng đi đúng, cho thấy nội lực của doanh nghiệp trong nước.
Cựu chủ tịch PVN cho rằng không muốn kê khai thành tích trong hơn 30 năm công tác để tòa phúc thẩm xem xét lại phán quyết sơ thẩm buộc ông bồi thường dân sự 30 tỉ đồng. "Là người đứng đầu để xảy ra sai phạm, tôi cảm thấy đau xót và day dứt khi vụ việc xảy ra ở đơn vị mình. Thời gian qua, trong 4 bức tường nhà giam, nhiều đêm tôi không ngủ được nên không thể cầm bút viết ra những thành tích" - ông Thăng nói.
Tại phiên tòa, đại diện VKS lưu ý đến thời điểm này, ông Đinh La Thăng và gia đình chưa khắc phục phần dân sự, trong khi phiên phúc thẩm xét xử vụ án PVN mất 800 tỉ đồng góp vốn vào OceanBank cũng sắp diễn ra. Nghe vậy, ông Đinh La Thăng trả lời: "Tôi có một căn chung cư đang ở. Nếu bán cũng chỉ được một phần nhỏ so với số tiền phải bồi thường. Khi tòa cấp cao xử đúng trách nhiệm thì bị cáo sẽ cùng gia đình cố gắng khắc phục tối đa".
Làm rõ trách nhiệm của cựu tổng giám đốc PVN
Tại phiên tòa, HĐXX đã triệu tập ông Hồ Công Kỳ (hiện là Chủ tịch HĐTV PVPower; nguyên Chánh Văn phòng PVN từ tháng 11-2010 đến tháng 4-2013) để làm rõ những văn bản có liên quan đến trách nhiệm của cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực.
Ông Hồ Công Kỳ khai trong thời gian này, ông phân công ủy quyền cho Khương Văn Đạt, phó chánh văn phòng, trực tiếp phụ trách văn thư lưu trữ và phân phối công văn đến lãnh đạo tập đoàn.
Được hỏi về 4 công văn vào các năm 2010 và 2011 mà PVPower và PVC gửi cho Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực là có hay không, ông Đạt cho biết: "Hệ thống lưu trữ có lưu giữ việc đã chuyển văn bản cho ai, chỉ cần kiểm tra là biết được". Do đó, HĐXX đã yêu cầu Văn phòng PVN kiểm tra phần mềm lưu trữ để đánh giá cụ thể sau.
Tại phiên tòa, luật sư Hà Huy Được, bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, kể khi thu thập chứng cứ lấy được 4 văn bản của PVPower và PVC gửi lên PVN. Qua kiểm tra cho thấy ông Phùng Đình Thực không nhận được các văn bản đó. Cũng tại phiên tòa, ông Khương Văn Đạt đã xem lại các văn bản mà luật sư đưa ra và xác nhận có chữ ký sao y.
Bình luận (0)