Sau 1 ngày xét xử, sáng nay 11-12, phiên xử nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (công ty thoát nước); và Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, kết thúc phần xét hỏi. Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án dành cho các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị dẫn giải tới phiên toà
Theo đó, với cáo buộc phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị tuyên phạt từ 10-12 năm tù. Tổng hợp hình phạt với bản án 5 năm tù trước đó, VKS đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc ông Chung phải chấp hành hình phạt chung là từ 15-17 năm tù. Bị cáo Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang cùng bị đề nghị tuyên phạt từ 6-7 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND đề nghị Tòa án buộc bị cáo Chung và Giang phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỉ đồng.
Theo đại diện VKSND vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn. Các bị cáo vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác mà làm trái quy định của nhà nước về quản lý. Đây là biểu hiện một phần của tệ nạn tham nhũng, quan liêu, gây ảnh hưởng uy tín của TP và ảnh hưởng đến việc làm ăn chính đáng của các doanh nghiệp, gây mất niềm tin trong nhân dân.
VKS đánh giá ông Chung đã lợi dụng vị trí người đứng đầu thành phố và giữ vai trò chủ mưu, có động cơ vụ lợi. Tuy nhiên, cơ quan công tố đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt bởi ông Chung có nhiều thành tích trong công tác, được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng và có tiền sử bệnh ung thư.
Bị can Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang giữ vai trò đồng phạm trong vụ án. Số tiền hưởng lợi bất chính 36,1 tỉ đồng, Giang chi tiêu cá nhân và dùng hơn 7 tỉ đồng đi "biếu" các đơn vị theo chỉ đạo của ông Chung.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, ông Nguyễn Đức Chung nhiều lần phản bác nhiều nhiều tình tiết cáo buộc của cơ quan tố tụng. Sau khi nhận cáo trạng, ông đã gửi đơn khiếu nại và kiến nghị tới cơ quan chức năng, trong đó có nhiều nội dung cáo buộc bản thân ông là không đúng, thậm chí là trái pháp luật.
Ông Chung khai không ưu ái cho Công ty Arktic mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho Hà Nội. Về cáo buộc "là người chỉ đạo, điều hành mua chế phẩm", ông Chung cho rằng nhà chức trách chỉ dựa vào câu nói của Võ Tiến Hùng và lời khai của nguyên phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng mà không có văn bản gì. Bên cạnh đó, nữa ông cũng không có quyền và không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của Công ty Thoát nước. . Do đó, VKS quy kết công ty hưởng lợi 36 tỉ đồng từ thiệt hại cho UBND Hà Nội là điều cần xem xét lại.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn TP bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp. Bị cáo Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arkticmang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty này.
Cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi phạm tội của ông Chung có động cơ vụ lợi trong vụ án này. Cụ thể, công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) bỏ 100% vốn (5 tỉ đồng) và lấy tên con trai Nguyễn Đức Hạnh đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh. Sau đó, bà Hoa nhờ một người khác đứng tên sở hữu 40% vốn điều lệ thay cho gia đình bị cáo Chung, còn bị can Nguyễn Trường Giang đứng tên sở hữu 60% vốn điều lệ.
Cơ quan tố tụng còn cáo buộc, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic để công ty này được hưởng khoản lợi nhuận hơn 36 tỉ đồng.
Bình luận (0)