Sau 13 ngày xét xử và nghị án, ngày 6-8, TAND TP HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB, giờ là CB) cùng 44 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Thu hồi số tiền lớn
Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với mức án trước đó buộc bị cáo Danh phải chấp hành bản án chung là 30 năm tù. Bị cáo Trầm Bê bị tuyên phạt 4 năm tù; Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) 3 năm tù. Nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Tiên Phong - TPBank lãnh từ 3 đến 4 năm tù. Nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV Chi nhánh Gia Định được hưởng án treo. Ngoài ra, các bị cáo còn lại lãnh từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 10 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, trước đó, VKSND TP HCM đã đề nghị HĐXX xem xét thu hồi 6.126 tỉ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Tuy nhiên, HĐXX nhận định bị cáo Phạm Công Danh biết bản thân là lãnh đạo VNCB nên không thể vay tiền; trong khi VNCB đang bị giám sát nên đã gửi tiền sang 3 ngân hàng làm tài sản cầm cố, thế chấp để vay tiền rồi sử dụng. Do 29 công ty con của ông Danh không có khả năng trả nợ nên các ngân hàng thu hồi lãi và gốc, gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỉ đồng. Số tiền phải thu hồi là số tiền mà ông Phạm Công Danh đã chiếm đoạt để sử dụng chứ không phải số tiền mà các ngân hàng đã cho vay và thu hồi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khẳng định rằng không thiệt hại. Vì vậy, ông Phạm Công Danh phải có trách nhiệm bồi hoàn lại cho CB hơn 500 tỉ đồng; bà Hứa Thị Phấn phải trả lại 600 tỉ đồng; ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) phải trả lại 194 tỉ đồng vì đây là số tiền được cho là vật chứng của vụ án cần thu hồi để khắc phục hậu quả.
Về 4.500 tỉ đồng ông Danh nói dùng để nâng vốn điều lệ, HĐXX cho rằng tiền đã được chuyển vào VNCB và hòa vào dòng tiền chung, không thể xác định số tiền này sử dụng cho mục đích gì. HĐXX nhận định hiện nay vốn điều lệ CB là 3.000 tỉ đồng, để bảo đảm thu hồi triệt để tài sản của nhà nước thì 4.500 tỉ đồng cần được xem là tài sản của ông Phạm Công Danh nên phải thu hồi để khắc phục hậu quả. Từ đó, CB phải hạch toán lại số tiền này để khắc phục hậu quả nhưng khấu trừ 2.371 tỉ đồng vật chứng. Cho nên chỉ thu hồi từ CB hơn 2.138 tỉ đồng. Vì vậy, HĐXX đề nghị CB hạch toán 4.500 tỉ đồng này để khắc phục toàn bộ hậu quả do ông Phạm Công Danh gây ra.
BIDV Hội sở 2 phải khắc phục 1.176 tỉ đồng; BIDV Chi nhánh Hải Vân phải khắc phục 476 tỉ đồng. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên giải tỏa kê biên quyền sử dụng đất ở đường Hồng Bàng (quận 5, TP HCM) cho vợ chồng ông Trầm Bê. Không chỉ vậy, nhiều cá nhân, công ty, tổ chức và ngân hàng phải chịu hàng trăm tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Trầm Bê (giữa) cùng các đồng phạm tại tòa
Đúng tội, không oan
Theo HĐXX, quá trình điều tra, truy tố mặc dù các bị cáo nhận thức khác nhau về tội phạm nhưng tại tòa, về cơ bản các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội. Có đủ cơ sở xác định sau khi tiếp quản, điều hành Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, bất chấp kiến nghị của Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho VNCB hàng ngàn tỉ đồng.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử đủ căn cứ xác định ông Phạm Công Danh là lãnh đạo VNCB, không thể vay tiền từ chính VNCB nên đã gửi tiền sang Sacombank, TPBank và BIDV rồi sử dụng 29 pháp nhân, lập hồ sơ khống vay tiền lại từ các ngân hàng này để trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, trả nợ nhân viên và tiêu xài cá nhân. Sau khi giải ngân, tiền được chuyển vào các công ty rồi chuyển cho ông Phạm Công Danh sử dụng chứ không phải như phương án kinh doanh lúc lập hồ sơ vay tiền.
Do toàn bộ vốn vay không được sử dụng đúng mục đích nên 29 công ty không có khả năng trả nợ; các ngân hàng đã thu nợ và gốc trước hạn, gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỉ đồng.
Đối với ông Trầm Bê, bị cáo có mối quan hệ với Phạm Công Danh từ trước cho nên khi Danh sang Sacombank đề nghị cầm cố tài sản để vay 1.800 tỉ đồng, ông Trầm Bê đã đồng ý. Ông Trầm Bê đã không thẩm định hồ sơ, phương án kinh doanh nhưng chỉ đạo ông Phan Huy Khang lập hồ sơ cho vay. Từ đó, ông Khang chỉ đạo các chi nhánh xem xét và giải ngân cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng. Sau khi cho vay, các bị cáo đã không kiểm tra nguồn vốn vay có được sử dụng đúng mục đích hay không!
Bình luận (0)