Ngày 18-12, ngày thứ 4 tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978), cùng đồng phạm, ông Nguyễn Ngọc Khánh, đại diện NaviBank và 4 nhân viên của ngân hàng này đều kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo hồ sơ vụ án, thông qua Đoàn Đăng Luật, Trưởng Phòng Nguồn vốn NaviBank, từ ngày 19-11-2010 đến 27-5-2011, Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè (Vietinbank Nhà Bè) huy động của NaviBank thông qua 14 cá nhân là nhân viên ngân hàng này đứng tên gửi 1.543.200.000.000 đồng vào VietinBank Nhà Bè với lãi suất từ 16,5% đến 22,5%/năm.
Đến ngày 14-7-2011, VietinBank Nhà Bè quyết toán cho NaviBank tiền gốc là 1.043.200.000.000 đồng, còn lại 500 tỉ đồng chưa đến hạn quyết toán.
Khi Tuấn chuẩn bị chuyển công tác khỏi Vietinbank Nhà Bè, Tuấn nói Luật gặp Huỳnh Thị Huyền Như để chuyển số tiền này gửi vào Vietinbank Chi nhánh TP HCM. Do Như mới được bổ nhiệm quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, muốn có doanh số và có tiền trả nợ, với lãi suất là 14%/năm.
Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank TP HCM ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên của NaviBank để nhận gửi 500 tỉ đồng, lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng và không báo cáo với lãnh đạo phần tiền chênh lệch phải trả cho Luật ngoài hợp đồng là 30.013.938.000 đồng, nhưng Luật thừa nhận mới nhận 9.455.241.666 đồng.
Đến ngày 7-9-2011, Như tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỉ, còn 200 tỉ đồng đứng tên 4 nhân viên NaviBank nhưng 4 người này không giữ thẻ tiết kiệm mà để Như giữ nên bị Như chiếm đoạt để trả nợ.
Tại tòa, đại diện VKSND Tối cao hỏi thực chất hợp đồng tiền gửi tiết kiệm (HĐTGTK) là của 4 nhân viên NaviBank hay của chính NaviBank, vì sao NaviBank ký hợp đồng cho nhân viên vay tiền rồi để nhân viên đem gửi vào VietinBank, người đại diện cho 4 nhân viên đã trả lời lòng vòng khiến vị đại diện VKSND phải gắt: “Ông đại diện bảo vệ quyền lợi cho người khác mà ông không thuộc, không xem hồ sơ thì bảo vệ cái gì”?
Khi được hỏi, ông Nguyễn Tiến Hùng, đại diện Vietinbank cho biết có hướng dẫn và giao cho khách giấy “chứng nhận tiền gửi”. Tuy nhiên, đại diện NaviBank khẳng định không nhận bất cứ giấy chứng nhận nào!
Trả lời câu hỏi của HĐXX về mục đích cho nhân viên vay tiền rồi đem gửi ngân hàng khác, ông Nguyễn Ngọc Khánh nói: “Việc cho nhân viên vay để đem gửi tại ngân hàng khác nhằm giải tỏa nguồn vốn huy động thừa, đồng thời NaviBank hưởng lãi suất. Khi ký hợp hợp đồng tiền gửi (HĐTG) đều trực tiếp ký với bà Phạm Thị Minh Hương, Phó giám đốc Vietinbank TP HCM”. Bị xoay về việc ngân hàng nhà nước có văn bản nào phép hay không, ông Khánh thừa nhận không.
Đối với ACB, cũng tương tự như NaviBank muốn hưởng lãi suất 14% và chênh lệch từ 5 – 5,5%, trong khi quy định Nhà nước không cho phép ngân hàng này đem tiền gửi ngân hàng khác nên đã ký hợp đồng ủy thác (HĐUT) với 19 nhân viên của mình, để họ đem tiền của ACB gửi tại VietinBank TP HCM (17 người) và VietinBank Nhà Bè (2 người). Tất cả việc lập hồ sơ mở TKTGTK của nhân viên ACB đều tập trung vào “đầu mối” Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó Phòng Quản lý quỹ ACB.
Bị hỏi dồn, đại diện ACB trả lời: “19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank theo hình thức HĐTG có kỳ hạn để hưởng lãi suất. Chỉ biết tiền bị chiếm đoạt thông qua báo chí. Sau đó ACB có yêu cầu 19 nhân viên đến Vietinbank làm việc”.
Đại diện ACB cho rằng trong HĐUT không ghi điều khoản nào ACB hỏi Vietinbank nhưng vì nhân viên đã được ủy thác nên đòi Vietinbank bồi thường. Việc phải để nhân viên mở tài khoản gửi tiền tiết kiệm vì thời điểm năm 2011, có hiên tượng một số ngân hàng thiếu thanh khoản và không đủ chi trả cho khách hàng. Để đảm bảo nguồn vốn của mình nên ACB để nhân viên đứng tên gửi tiết kiệm.
Huỳnh Thị Huyền Như khai, đã làm giả lệnh chi, giả chữ ký của các chủ tài khoản rồi chuyển hết số tiền từ TKTGTK của nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số còn lại trong TKTGTK của 19 người. Đối với lãi suất, Như thỏa thuận với Bảo Ngọc là 14%/năm, phần chênh lệch từ 5% - 5,5%, trrong đó nộp vào tài khoản của 19 cá nhân từ 3% - 3,5%, số còn lại gửi cho Ngọc.
“Về phần lãi suất, đến nay ACB không nhận được bất kỳ đồng nào kể cả tiền gốc”, đại diện ACB khẳng định.
Bà Ngọc cho rằng Như khai không đúng. Số lãi suất chênh lệch đều chuyển vào TK của nhân viên, bà Ngọc không nhận bất cứ đồng nào, việc lập TK cho nhân viên làm theo chỉ đạo của kế toán trưởng. Nhân viên đều trực tiếp gặp Như để ký.
Bị cáo Như khẳng định có chuyển tiền vào tài khoản cho bà Huỳnh Thị Uyên (chị ruột bà Ngọc). Ngay sau đó, HĐXX công bố lời khai của những nhân viên ACB, theo đó tất cả việc mở tài khoản đều thực hiện theo yêu cầu của bà Ngọc, rồi mỗi người nhận được 500.000 đồng.
Chiều 18-12, tòa tiếp tục thẩm vấn
Bình luận (0)