Hôm ấy, đứng ở vị trí bị cáo trong vụ án giết người được TAND TP HCM đưa ra xét xử là bị cáo Đ.T.B.Q (20 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM). Nạn nhân là người chồng hờ đã chung sống với Q. 2 năm.
Giận mất khôn
"Cáo trạng truy tố bị cáo như vậy có oan không?" - vị chủ tọa phiên tòa hỏi. "Thưa, không oan" - Q. trả lời. Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: "Sau khi gây ra sự việc, bị cáo đã đi đâu?". "Bị cáo đến nhà dì" - Q. đáp. "Để làm gì?". "Để tránh phát sinh thêm chuyện xô xát với chồng" - Q. tiếp tục trả lời.
"Nhưng cáo trạng thể hiện, tại cơ quan điều tra, bị cáo khai sau khi phát hiện anh S. chết, bị cáo đã bỏ trốn khỏi hiện trường?" - chủ tọa truy hỏi. "Bị cáo không bỏ trốn! Khi rời đi, bị cáo nghĩ chồng chỉ bị thương vì khi đó anh S. còn tỉnh táo lấy khăn lau vết máu trên cổ. Lúc được tống đạt cáo trạng trong trại giam, bị cáo đã nói rõ chuyện này nhưng không ai chịu tin bị cáo"- Q. phân trần.
Bị cáo Đ.T.B.Q sau phiên tòa
Nói về lý do giết anh S., Q. nhiều lần khẳng định bị cáo không muốn giết chồng mà "chỉ muốn thức tỉnh chồng".
Theo lời khai tại tòa, đêm khuya, Q. giật mình tỉnh giấc bên mâm cơm nguội lạnh thì bên ngoài, tiếng đập cửa vang lên liên hồi. Anh S. trở về căn phòng trọ trong trạng thái say bí tỉ. Q. không còn xa lạ với hình ảnh này. Nhưng hôm đó, người vợ trẻ không còn tất tả chạy đi rót nước cho chồng hay thúc giục anh đi nghỉ sớm mà cả hai đã xảy ra cự cãi.
Trong lúc giận dữ, Q. vung tay tát vào mặt anh S. Đáp lại, anh S. dùng chiếc tô nhựa đựng cơm đập vào đầu Q. Cú đánh mạnh đã làm ngọn lửa tức giận trong Q. sục sôi hơn bao giờ hết. Trong phút chốc, Q. chạy đến khu vực nấu ăn lấy con dao rồi đâm một nhát trúng cổ anh S. Anh S. bình tĩnh lau vết thương rồi đi ra khỏi phòng trọ. Đến khi trời sáng, người dân xung quanh phát hiện anh S. đã tử vong, còn Q. không có mặt ở phòng trọ.
Tương lai vô định
Trong thời gian ít ỏi được trình bày tại phiên tòa, Q. đã bộc bạch về hoàn cảnh của mình. Q. và anh S. là những người xa quê, tìm đến TP HCM sinh sống và lập nghiệp. Q. không biết chữ, không có việc làm ổn định. Rồi Q. gặp S., yêu và quyết định dọn về chung sống với nhau như vợ chồng. Hai năm sống cùng nhau, cả hai vẫn chưa dành dụm đủ tiền để tổ chức lễ cưới, cũng không dám sinh con vì lo không có tiền nuôi.
Hôn nhân không phải lúc nào cũng hạnh phúc như những gì Q. nghĩ. Sau những giờ làm việc mệt nhọc trên công trường với công việc phụ hồ, Q. trở về nhà, thui thủi một mình giữa 4 bức tường của căn phòng trọ 16 m2. Anh S. ngày càng vô tâm, thường xuyên rượu chè đến tận khuya mới về nhà. Tệ hại hơn, những lúc uống say, anh S. thường "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ.
Đến một ngày, người vợ trẻ lờ mờ nhận ra sự nhẫn nhịn, cam chịu trong suốt thời gian qua không đem lại êm ấm cho gia đình. Có chồng, Q. phải gồng mình gánh vác mọi chuyện trong nhà. Có chồng nhưng những lúc mệt mỏi, lo lắng, ốm đau, không có ai để dựa vào. Bao nhiêu uất ức chất chồng đã bùng lên trong đêm định mệnh ấy.
Phiên xét xử diễn ra khá nhanh vì ngoài lời khẳng định không biết chồng chết ngay sau nhát dao đó, bị cáo không bào chữa gì cho mình, cũng không một lần rơi nước mắt. Chỉ có đôi mắt đượm buồn và câu nói lặp đi lặp lại đầy ám ảnh xuyên suốt phiên tòa: "Bị cáo không muốn… Bị cáo không muốn giết chồng mình… Bị cáo không muốn!".
Có lẽ, trong sâu thẳm, Q. vẫn luôn khao khát một mái ấm gia đình mà ở đó cô được người bạn đời trân trọng, chia sẻ, yêu thương. Đáng tiếc, trong một phút nóng giận, Q. đã vĩnh viễn tước đi sự bình yên trong cuộc đời mình.
Sau phiên xét xử, nhiều người ái ngại trông theo bóng dáng cô gái nhỏ nhắn với mái tóc đen dài bước lên xe tù. Cô còn quá trẻ, còn cả cuộc đời phía trước. Nhưng tương lai nào cho một người phụ nữ từng giết chồng?
Bình luận (0)