Từ năm 2008 đến 2013, ngành thi hành án dân sự (THADS) TP HCM đã thi hành xong 234.649 vụ việc và 30.036,9 tỉ đồng, trong đó thu cho ngân sách trên 860 tỉ đồng. Theo đánh giá của Cục THADS TP, số lượng vụ việc và tiền phải thi hành thụ lý mới hằng năm tăng đột biến đã tạo áp lực công việc đối với cơ quan THADS.
Tay không “bắt giặc”
Một trong những thủ tục mà hầu hết người được THA khó thực hiện là xác minh điều kiện THA của người phải THA. Nhận định về khó khăn trong việc xác minh điều kiện THA, một lãnh đạo Chi cục THADS quận 3 đúc kết: “Với công cụ pháp luật được nhà nước giao phó nhưng cơ quan THADS còn phải trầy trật để xác minh điều kiện THA thì làm sao người được THA có thể tự làm công việc này, nhất là họ không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan chức năng hợp tác hay hỗ trợ trong quá trình xác minh”.
Theo bà Lê Thị Lệ Duyên, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 3, dù Luật THADS có quy định người được THA phải có xác minh điều kiện THA của người phải THA thì cơ quan THADS mới nhận đơn yêu cầu THA nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp người được THA nộp kết quả xác minh cho cơ quan THADS quận 3. Do đó, hầu hết các trường hợp này đều có đơn yêu cầu cơ quan THADS xác minh.
Bà Duyên cho biết thời gian qua, việc xác minh điều kiện THA có liên quan đến yếu tố tín dụng là nhiêu khê nhất. Nguyên nhân, người được THA không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản của người phải THA vì ngân hàng cho rằng đây là yếu tố “bảo mật” và ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng quy định loại thông tin này chỉ cung cấp cho cơ quan chức năng chứ không cung cấp cho cá nhân!
“Ngay cả khi chấp hành viên tiếp cận ngân hàng để đặt yêu cầu xác minh điều kiện THA thì phải chứng minh việc đó nhằm mục đích gì” - bà Duyên nói.
Ngoài ra, một thực tế được các chi cục THADS phản ánh là hiện có tình trạng các ngân hàng không cung cấp số dư tài khoản của cá nhân hay công ty có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đó. Thậm chí, một số ngân hàng viện nhiều lý do để trì hoãn việc cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người phải THA và không khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải THA theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Khó thuyết phục người phải THA
Hiện nay, Luật THADS không có quy định nào đề cập chi phí thuê nhà ở tạm cho người phải THA khi bị cưỡng chế giao nhà là nơi ở duy nhất của họ và gia đình cho người khác. Trên thực tế, trước khi tiến hành cưỡng chế giao nhà, chấp hành viên phải tìm thuê nhà trọ, nơi ở tạm để làm nơi cất giữ tài sản và nơi ở cho người bị cưỡng chế.
Một chấp hành viên Cục THADS TP cho biết mặc dù hiện nay chưa có một quy định pháp luật nào bắt buộc chấp hành viên phải thuê nơi ở tạm cho người bị cưỡng chế bằng biện pháp trục xuất. Tuy nhiên, khi tiến hành cưỡng chế, cơ quan THA không thể chỉ thuê chỗ cất giữ tài sản, còn người bị cưỡng chế và gia đình họ muốn đi đâu thì đi.
“Nếu làm như vậy thì sẽ gây rất nhiều phiền phức, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và chính quyền địa phương nơi xảy ra cưỡng chế cũng phản ứng. Thế nhưng, chấp hành viên lấy tiền ở đâu để thuê chỗ ở và chỗ giữ tài sản khi tiến hành cưỡng chế?” - chấp hành viên này nêu vấn đề.
Thực tiễn công tác THADS cũng bộc lộ bất cập như trường hợp đương sự tự nguyện giao nhà, đúng ra là phải được pháp luật khuyến khích thì lại không được hỗ trợ tiền thuê nhà, trong khi trường hợp bị cưỡng chế lại được hỗ trợ. Đây là vấn đề gây khó khăn cho chấp hành viên khi tiến hành vận động, thuyết phục đương sự THA.
Tìm cách... “xù”!
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về những vướng mắc khi thực hiện Luật THADS, một phó chánh án TAND quận 3 cho biết trên thực tế, có nhiều bản án dù tòa tuyên nhưng biết chắc chắn là không thể thi hành được! Vị phó chánh án này dẫn chứng: “Có trường hợp tòa tuyên yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn 1 tỉ đồng nhưng thực sự tài sản của bị đơn chỉ có 10 triệu đồng thì làm sao thi hành được!”.
Cũng từ thực tế khó khăn khi THADS, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng không nước nào như ở Việt Nam khi người phải THA chây ì hay lâm cảnh khó khăn là tìm cách “xù” việc trả nợ cho người được THA! Trong khi ở các nước, cơ quan THA phải có nhiệm vụ theo dõi quá trình hoạt động, làm việc của người phải THA cho đến cuối đời để nếu họ có việc làm mới hay phát sinh về thu nhập thì kiểm soát, khấu trừ ngay nhằm thu hồi nợ cho người được THA.
Kỳ tới: Cần sự phối hợp đồng bộ
Bình luận (0)